Multimedia Đọc Báo in

Làm gì khi trẻ biếng ăn

15:53, 27/07/2012

Ngày nay, khi điều kiện kinh tế của các gia đình đã có phần phát triển, cha mẹ thường quan tâm đến dinh dưỡng cho các bé nhiều hơn. Thế nhưng, một thực tế là có ngày càng nhiều các ông bố, bà mẹ tìm đến phòng tư vấn với nhiều băn khoăn về vấn đề chăm sóc dinh dưỡng cho con vì trẻ biếng ăn.

 Chị Nguyễn Thủy Vân ở KP 5, phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) có cô con gái hơn 5 tuổi đang đi mẫu giáo thắc mắc: “Mặc dù được mẹ chăm sóc khá cẩn thận nhưng con gái vẫn chậm lớn, nhẹ cân và biếng ăn”. Chị lo lắng khi cháu sắp bước vào lớp 1 nhưng ăn uống kém, ăn chậm và luôn sợ ăn.  Mặc dù gia đình đã đưa cháu đi khám, được bác sĩ hướng dẫn sử dụng thuốc trong vòng 3 tháng nhưng tình trạng sức khỏe cháu vẫn không cải thiện. Chị Vân sinh bé khi tuổi đã tương đối cao, trong giai đoạn mang thai sức khỏe chị không được tốt, sinh ra cháu đã nhẹ cân hơn so với trẻ khác, nên chị  mong muốn việc cung cấp dinh dưỡng cho cháu sẽ giúp cháu lớn nhanh hơn. Nhưng trái với mong muốn đó, được chăm sóc bao nhiêu thì cháu càng tỏ ra sợ ăn, và hay có biểu hiện nôn ói mỗi khi ăn.  Tương tự chị Vân, anh Trần Thành Huy ở phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) có cậu con trai đã 30 tháng tuổi mà đi chưa vững, chỉ nặng 11,2kg, cao 89cm. Lo lắng về thể lực của bé nên gia đình thường xuyên hỏi han mọi người, hễ ai mách cho bí quyết giúp chống còi xương ở trẻ là anh chị tìm mua cho bằng được. Anh cho biết, gia đình cho cháu ăn dăm bông làm từ thịt cóc đều đặn từ khi được 1 tuổi đến nay nhưng cháu vẫn gầy yếu, đặc biệt cháu ăn cơm cháo rất hạn chế, chỉ uống sữa là chủ yếu. Có nhiều bà mẹ dù đã chế biến đủ các món công phu, con vẫn lắc đầu quầy quậy, ráng lắm cũng chỉ ăn được vài ba muỗng.

Có rất nhiều lí do dẫn đến việc trẻ biếng ăn và có cảm giác sợ ăn. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính là cách chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ thiếu khoa học, ép trẻ ăn quá nhiều khi trẻ không đói… gây cho trẻ có áp lực khi ăn. Đồng thời, cách chế biến thức ăn cho trẻ đơn điệu, chỉ sử dụng một vài loại thực phẩm, ít khi đổi món hoặc bổ sung quá nhiều chất đạm vào khẩu phần ăn cũng là một nguyên nhân dẫn đến trẻ biếng ăn. Trên thực tế, theo số liệu khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tình trạng biếng ăn ở trẻ vốn rất phổ biến, chiếm tỷ lệ đến 45,9% trẻ đến khám và tư vấn dinh dưỡng tại các trung tâm. Biếng ăn là một lẽ, nhưng sẽ dẫn đến những hệ quả không thể xem nhẹ như: trẻ chậm tăng cân, thiếu lanh lợi, hay cáu kỉnh và có thể khiến bé mắc bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em, lúc này việc chữa trị khá phức tạp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng các bà mẹ không nên chiều theo thói quen kéo dài bữa ăn của trẻ. Mỗi bữa ăn, bạn nên bớt ít khẩu phần và ngồi bên cạnh, bắt trẻ phải tập trung ăn trong vòng 20 - 30 phút; nếu hết thời gian đó mà con bạn chưa ăn xong thì ngưng ngay bữa ăn. Đặc biệt trước bữa ăn khoảng 30 phút, không nên cho trẻ ăn vặt. Hãy kích thích trí tò mò của con, đừng bỏ lỡ cơ hội cho con làm quen với các vị mới. Một cách tự nhiên, tất cả trẻ em đều thích vị ngọt hơn các vị khác, nhưng bằng sự khéo léo bạn sẽ hướng sự chú ý của chúng vào các vị khác. Hãy để con khám phá món ăn mới. Nếu chúng không thích, không nên ép, tuy nhiên hãy thử vào lần sau. Trong khoảng từ 4 đến 7 tuổi trẻ em cần làm quen với vị mới 4 - 5 lần. Tạo tâm lý thoải mái trong bữa ăn cũng là vấn đề quan trọng giúp trẻ thích thú hơn và nên rủ con cùng nấu các món ăn với bạn để "đánh thức" cảm giác ngon miệng. Bạn chỉ nên gợi ý cho bé ăn khi nó đã đói. Trẻ em thường chối bỏ thức ăn chẳng qua là vì chúng chưa kịp đói. Cũng có thể do bạn đã vô tình không cho bé cơ hội ấy. Hãy thử trong vài ngày liền không ép bé ăn và hãy đợi để tự bé phải nhắc đến bữa ăn vì đói bụng. Khi đã quan sát được lúc nào bé thường thấy đói, bạn hãy cho bé ăn vào những giờ cố định.

Đừng ép bé ăn cái gì mà bé không thích. Thay vì thịt, bạn có thể cho bé ăn trứng, cá hoặc xúc xích. Nếu bé sợ rau thì bạn hãy cho bé ăn thêm trái cây chẳng hạn. Bạn đừng cố giấu những thứ mà bé không thích vào các món ăn. Hãy để bé tự ăn. Phần lớn trẻ 2-3 tuổi sẽ ăn nhiều hơn nếu người mẹ cứ để bé tự xúc cơm. Nếu người mẹ cứ bón cho con ăn mãi, dần dần bé sẽ nhận thấy rằng bữa ăn đúng là một cực hình đầy khó chịu, chẳng khác gì phải gội đầu hay uống thuốc. Hãy làm sao để bé thấy rằng bữa ăn là niềm vui, là sự thích thú giống như bé đang chơi một trò chơi vui vậy.

Cách chế biến các món ăn một cách khoa học và hấp dẫn cũng góp phần kích  thích cảm giác thèm ăn ở trẻ. Vì vậy, thực đơn cho bữa ăn nên có sự thay đổi hợp lý phong phú và cân bằng giữa các nhóm thực phẩm. Nếu trẻ có biểu hiện của suy dinh dưỡng thì phải được khám và tư vấn cụ thể để bổ sung hợp lý các nhóm vi chất thiếu hụt trong bữa ăn hằng ngày của trẻ. Bạn đừng bận tâm khi con bạn ăn ít hơn những đứa trẻ khác, nếu bé vẫn phát triển bình thường. Với bản năng sinh tồn, bọn trẻ có thể chỉ ăn đúng cái và đúng lượng mà cơ thể chúng cần.  Dạ dày của trẻ nhỏ hơn của người lớn rất nhiều nên khẩu phần ăn của chúng nhiều nhất chỉ bằng một nửa của người lớn là đủ. Bên cạnh đó chúng ta nên tạo điều kiện cho bé vận động, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí giúp tiêu hao năng lượng để bé cảm thấy đói, thèm ăn và bữa ăn sẽ ngon hơn với trẻ.

Trần Lan


Ý kiến bạn đọc