Phòng ngừa và sơ cứu bỏng cho trẻ em
Bỏng là tổn thương do tác dụng trực tiếp của các yếu tố vật lý (nhiệt, bức xạ, điện…) và hóa học gây ra trên cơ thể. Da là bộ phận thường bị tổn thương nhất khi bị bỏng, kế đến là các lớp sâu dưới da (gân, cơ, xương, khớp, mạch máu, thần kinh) và một số cơ quan (đường hô hấp, ống tiêu hóa, bộ phận sinh dục)… Bỏng hay gặp ở trẻ do trẻ tò mò, chưa hiểu biết điều nguy hiểm, do sự bất cẩn của người lớn, do xung quanh có nhiều yếu tố nguy cơ gây bỏng (Phích nước sôi, nồi canh nóng…). Chỉ cần 1 giây, dịch nóng 700C đã phá hủy toàn bộ da.
Hằng năm, Viện Bỏng Trung ương tiếp nhận từ 1500-3000 trẻ em bị bỏng (chủ yếu dưới 5 tuổi), kèm theo là di chứng bỏng. Tại tỉnh ta, theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, năm 2011 có 217 trường hợp trẻ từ 0-14 tuổi bị bỏng. Trẻ em thường hay bị bỏng do bị đổ nước, thức ăn nóng sôi (khi nấu ăn, khi tắm, lửa cháy và bỏng điện). Bỏng gây đau đớn, mất nước, muối, gầy mòn… có thể gây chết, bỏng điện rất nguy hiểm có thể gây ngừng tim, ngừng thở. Bỏng còn ảnh hưởng tới tâm hồn, thể chất, tới thẩm mỹ và chức năng của trẻ.
Các tình huống hay gặp gây bỏng cho trẻ dưới 5 tuổi:
- Người lớn mải nấu ăn, để xoong nồi trên đường đi, trong tầm với của trẻ. Trẻ với tay làm đổ nước, thức ăn nóng sôi vào người.
- Tình huống gây bỏng khi tắm: Cho trẻ lại gần khi pha nước nóng, trẻ tự tắm.
- Trẻ bị bỏng lửa do dùng cồn nướng mực, nghịch vật dễ cháy như diêm, nến, do lửa đèn dầu, lửa ga…
- Bị bỏng điện do khi trẻ dùng kéo cắt dây điện, dùng ngón tay, chìa khóa… chọc vào ổ điện, do trèo lên cột điện để bắt chim, thả diều.
- Trẻ bị bỏng khi đùa chơi bên cạnh hố vôi đang tôi, không có che chắn, biển báo.
Để tránh tai nạn bỏng, hãy luôn cảnh giác, trông nom trẻ cẩn thận:
- Khi nấu ăn, hãy trông trẻ cẩn thận, để xoong nồi lên cao ngoài tầm với của trẻ.
- Khi tắm nước nóng cần chuẩn bị đủ và theo thứ tự: Lấy nước lạnh trước, pha nước ấm, kiểm tra nhiệt độ và tắm cùng với trẻ.
- Đồ vật có nguy cơ gây bỏng cần được ngăn cách, để trên cao, không cho trẻ lại gần.
- Cần để ổ cắm, dụng cụ điện trên cao, bịt kín các ổ điện ở thấp, nên sử dụng ổ cắm có nắp đậy, có rơ-le tự ngắt khi chập điện.
- Cần bảo đảm an toàn khi tôi vôi, không cho trẻ lại gần, có biển báo, che chắn.
Nguyên tắc đơn giản để phòng tránh bỏng:
- Trông trẻ cẩn thận.
- Tạo môi trường an toàn: Để đồ vật nguy hiểm ngoài tầm với, không cho trẻ ở bếp hoặc tắm một mình, quay cán xoong vào trong…
- Thường xuyên dạy trẻ biết nguy cơ để phòng tránh.
Sơ cứu khi bị bỏng:
- Sau bỏng cần nhanh chóng ngâm rửa nước sạch, tốt nhất rửa vết bỏng dưới vòi nước (hiệu quả làm mát, giảm đau, giảm độ sâu bỏng).
- Sau đó dùng băng che phủ vết bỏng.
- Ủ ấm trẻ, cho trẻ bú, uống Oresol.
Sau khi trẻ khỏi bỏng, cần làm những việc sau:
Cơ thể trẻ phục hồi sau 2 năm, cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe theo hướng dẫn của bác sĩ, không cho vùng bỏng tiếp xúc với ánh sáng nhiều tia tử ngoại.
Bs. Nguyễn Thị Thanh Huyền
(Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh)
Ý kiến bạn đọc