Đậu bắp – thực phẩm nhiều dinh dưỡng
Đậu bắp còn gọi là mướp tây, bắp chà, tên khoa học Abelmoschus esculentus, thuộc họ bông Malvaceae.
Chăm sóc đậu bắp . |
Theo các nhà dinh dưỡng, đậu bắp là một loại rau quả phổ biến có nhiều chất dinh dưỡng như: hợp chất polyphenol, chất chống ôxy hóa, các sinh tố C, A, B1, B2, B6, khoáng chất kẽm, sắt, canxi và nhiều chất xơ, chất nhầy; hạt đậu bắp cũng là nguồn cung cấp chất đạm và chất béo cao. Quả đậu bắp dùng chế biến món ăn như một loại rau, được dùng cho các nướng, hấp, xào, kho, nấu canh… với các loại thịt, nấm khá ngon.
Từ lâu, dân gian nhiều nơi đã biết sử dụng thân, lá và quả non đậu bắp để trị các chứng tiểu khó, bệnh lậu; rễ và lá non chữa ho khan, viêm họng…
Quả đậu bắp rất giàu chất xơ (cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan) có lợi cho sức khỏe, giúp giảm cân, kiểm soát lượng đường trong máu; ngăn ngừa táo bón và bệnh trĩ, cải thiện tiêu hóa; giảm mức cholesterol nên giúp phòng bệnh cao huyết áp, nhồi máu cơ tim; giảm nguy cơ ung thư ruột kết. Chất nhầy chứa trong đậu bắp còn có tác dụng nhuận tràng, giảm đau.
Đậu bắp cũng chứa nhiều axit folic (1/2 chén đậu bắp nấu chín tương đương với trên 36 mg axit folic), đây là chất dinh dưỡng cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể, đặc biệt đối với những phụ nữ mang thai, axit folic rất quan trọng vì giúp phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh và các dị tật bẩm sinh khác ở thai nhi.
Ngoài ra, đậu bắp còn chứa nhiều vitamin A, vitamin C, canxi, kali, magiê giúp duy trì sự khỏe mạnh cho da, tóc và đôi mắt, tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể.
Quả đậu bắp cũng có tác dụng bổ thận, ích khí rất tốt cho nam giới, chống lại bệnh ung thư, tác dụng tốt đối với hệ tiêu hóa, vì vậy những người bị bệnh dạ dày nên ăn đậu bắp.
Để có dinh dưỡng tốt nhất từ đậu bắp, khi chế biến, nên nấu chín ở nhiệt độ thấp, vừa phải, không nấu, nướng đậu bắp ở nhiệt độ cao và cách tốt nhất là hấp chín.
Ds. Mỹ Nữ
Ý kiến bạn đọc