Multimedia Đọc Báo in

Hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ trung ương đến cơ sở

10:13, 06/09/2012

Hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ trung ương đến cơ sở là mục tiêu chính của Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình này sẽ được thực hiện tại các tỉnh, thành phố trên cả nước trong thời gian từ năm 2012 đến 2015.

Với tổng kinh phí thực hiện là 12.770 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế sẽ triển khai nhiều hoạt động nhằm chủ động phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm; phát hiện dịch sớm, dập tắt dịch kịp thời, không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ chết do một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm, góp phần thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cụ thể: đến năm 2015, có trên 90% số trẻ em dưới 1 tuổi ở các quận, huyện được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin (lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, sởi và Hib); giảm số trường hợp mắc sởi dưới 1/1.000.000 dân. Để cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, Chương trình phấn đấu đạt 90% trẻ suy dinh dưỡng nặng dưới 5 tuổi được nhận các can thiệp dinh dưỡng khẩn cấp, giảm 17,3% số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi liên quan đến suy dinh dưỡng nặng vào năm 2015. Ngoài ra, Chương trình cũng sẽ tăng cường năng lực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe quân và dân vùng biên giới, hải đảo, khu vực trọng điểm quốc phòng an ninh, vùng sâu, vùng xa; sẵn sàng ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp; phấn đấu đến năm 2015 có 70% các huyện đảo được hỗ trợ về kỹ thuật và cơ sở vật chất; sửa chữa nâng cấp 100 cơ sở y tế khu vực biên giới, hải đảo.

Với các loại bệnh như ung thư, tăng huyết áp, Chương trình đặt mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về dự phòng, phát hiện và kiểm soát bệnh sớm; phấn đấu đến năm 2015, tăng 5-10% tỷ lệ bệnh nhân ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm và giảm tỷ lệ tử vong của một số loại ung thư (vú, cổ tử cung, khoang miệng, đại trực tràng…); 50% người dân hiểu đúng về bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh tăng huyết áp; đồng thời tăng cường sàng lọc tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm những bệnh nhân  tiền đái tháo đường và đái tháo đường.

K.O (nguồn chinhphu.vn)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.