Multimedia Đọc Báo in

Cách xử trí khi gặp người bị ngạt nước

09:22, 05/09/2012

Ngạt nước là tình trạng người bị ngã xuống nước và hít phải nước dẫn đến nước tràn vào phổi hoặc do họng bị co thắt làm hẹp đường dẫn khí.

Nguyên nhân gây ngạt nước: Đối với trẻ nhỏ có thể bị chìm hoặc ngã cắm đầu vào thùng nước, chậu nước, giếng nước, bể nuôi cá...trong nhà.

Trẻ em, người lớn không biết bơi ngã xuống ao, hồ, sông suối… Ngạt nước có thể xảy ra cả với những người bơi giỏi do kiệt sức hoặc do chủ quan.

Cách xử lý:

Trường hợp nạn nhân còn tỉnh và ở gần bờ: Đưa cánh tay ra, hoặc lấy cây sào dài cho nạn nhân nắm rồi kéo vào bờ hoặc quăng phao hay vật nhẹ, nổi (can nhựa, chậu nhựa, tốt nhất là có buộc dây dài) cho nạn nhân nắm được rồi kéo vào bờ.

Trường hợp nạn nhân còn tỉnh nhưng ở xa bờ: Nếu ta biết bơi trước khi xuống nước, nên trang bị cho mình một cái phao hoặc một sợi dây dài để người ở trên bờ cầm một đầu, đầu còn lại buộc vào người và để thừa ra một đoạn dài 2-3m. Khi bơi gần đến nạn nhân thì buộc vào tay hoặc người nạn nhân và kéo nạn nhân vào bờ.

Lưu ý: Khi bơi gần đến nạn nhân, hãy lặn xuống vòng qua sau lưng nạn nhân, cầm chân họ đẩy trôi lên bờ và bơi gần vào bờ, bởi lẽ trong cơn hoảng loạn, nạn nhân sẽ ôm cứng bất cứ thứ gì, nếu không biết cách xử trí, người cứu sẽ chết cùng nạn nhân.

Sau đó, đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nên đặt nạn nhân nằm nghiêng để có nôn (ói) thì chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài và không trào ngược vào phổi gây viêm phổi. Kết hợp thêm các biện pháp sưởi ấm.

Trường hợp nạn nhân bất tỉnh: Nếu nạn nhân nằm ngửa, một tay nắm tóc, một tay bơi hoặc một tay nắm cổ áo, một tay bơi. Nếu nạn nhân nằm sấp thì một tay nâng cằm, một tay bơi, từ từ đưa nạn nhân vào bờ.

Sau khi vớt nạn nhân lên bờ, trước hết xem nạn nhân còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu còn thở thì đặt nạn nhân nằm nghiêng cho nước trong đường thở trôi ra hết, dùng tay móc những vật lạ ra khỏi miệng nạn nhân để tránh bị nghẹt đường hô hấp.

Nếu nạn nhân đã ngừng thở thì tiến hành hô hấp nhân tạo có thể bằng 3 cách:

+ Thổi ngạt qua miệng và bóp tim. Trước hết đặt nạn nhân ở nơi thoáng mát, tốt nhất là đặt trên ghế, giường để thuận tiện trong thao tác, nới lỏng quần áo, dây nịt, cà vạt. Nếu trong miệng và họng nạn nhân có vướng vật gì, quấn vải vào đầu ngón tay đưa vào miệng móc ra cho sạch. Tiếp đó kéo đầu nạn nhân ngửa về phía sau, kéo hoặc đẩy hàm dưới cho miệng nạn nhân mở ra. Sau đó dùng tay vừa đẩy trán nạn nhân vừa bịt mũi họ lại bằng ngón trỏ và ngón giữa. Rồi hít hơi dài đầy lồng ngực, áp sát vào miệng nạn nhân thổi hơi thật mạnh cho đến khi thấy lồng ngực của nạn nhân phồng lên. Lặp đi lặp lại động tác trên với nhịp độ 12lần/phút với người lớn, 20 lần với trẻ em.

+ Phương pháp thổi ngạt và xoa bóp tim: Qùy cạnh nạn nhân, hai tay chồng lên nhau đặt trên ngực nạn nhân, đè tay ép xuống khoảng 14-15giây/lần, làm khoảng 15 lần kèm theo thổi ngạt 2 lần. Cứ sau 4 lần ép lồng ngực kiểm tra mạch và hơi thở nạn nhân một lần.

Tuy nhiên thực hiện phương pháp nằm sấp là tốt nhất: Đặt nạn nhân nằm sấp, đầu nghiêng một bên, người cấp cứu quỳ ở phía đầu nạn nhân, dùng 2 tay ấn mạnh lên vùng bả vai để nạn nhân thở ra. Sau đó cầm 2 cánh tay đưa lên và ra sau để nạn nhân thở vào, làm 10-12 lần/phút.

Khi nạn nhân vào bờ còn tỉnh táo hoặc sau khi hô hấp nhân tạo nạn nhân tỉnh lại, đặt nạn nhân nằm đầu thấp, thay quần áo, ủ ấm cho nạn nhân và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để có thể xử lý kịp thời nguy cơ khó thở có thể xảy ra sau vài giờ do ngạt nước.

Phòng ngừa ngạt nước:

Không để trẻ nhỏ ở nhà một mình.

Đậy kín các dụng cụ đang chứa nước trong nhà như thau chậu, thùng, giếng hoặc thau chậu khi dùng nước xong cần đổ ngay nước đi.

Không để trẻ chơi một mình gần ao, hồ, sông suối,...

Nên dạy trẻ tập bơi ngay từ khi còn nhỏ.

Dạy trẻ không nên bơi ở nơi có dòng nước chảy mạnh và người lớn cũng không nên chủ quan khi tắm ở ao, hồ, sông suối,...

Hồng Vân 

 


Ý kiến bạn đọc