Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Việc ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin vào quản lý khám chữa bệnh ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho cả bệnh viện và bệnh nhân.
Nhập thông tin của bệnh nhân vào hệ thống phần mềm công nghệ thông tin quản lý của bệnh viện. |
Đã hơn hai tháng qua, khu vực đăng ký khám bệnh của Khoa khám bệnh, BVĐK tỉnh không còn cảnh xô bồ, chen lấn như trước kia. Đó là nhờ BV đã triển khai hệ thống tự động gọi tên bệnh nhân. Người bệnh đến khám bệnh chỉ cần in số tự động và ra ghế ngồi chờ bảng số điện tử thông báo số thứ tự, đến số của ai thì người đó lên làm thủ tục. Hệ thống này được lập trình, tự động xếp số và tự gọi số theo đúng thứ tự mà không qua bất cứ một sự điều khiển, can thiệp nào. Đây là một thay đổi lớn của BV được đông đảo người bệnh hoan nghênh. Không chỉ dừng lại ở đó, hệ thống phần mềm quản lý còn giúp y bác sĩ tại các phòng khám thuộc bệnh viện có thể nắm rõ thông tin bệnh nhân thông qua các thông tin cần thiết của người bệnh được lưu trên hệ thống để tập trung khám bệnh đưa ra phương pháp điều trị và kê toa thuốc phù hợp. Ngoài ra, việc kê toa thuốc cũng được đổi mới, thay vì phải dùng bút viết thì nay được kê trên máy, vừa tránh tình trạng đọc nhầm “chữ của bác sĩ” ở người bệnh, vừa rút ngắn thời gian chờ đợi. Bệnh nhân Ngô Thị Kim Loan (thôn 4, xã Hòa An, huyện Krông Pak) cho biết: “Cứ nghĩ đến những lần đi khám bệnh trước đây phải chen lấn để đăng ký, vừa mệt mỏi lại vừa sợ mất mát tiền bạc mới thấy việc đổi mới của bệnh viện trong khâu tiếp đón người bệnh thật đáng quý. Lần này đi khám, có bảng số điện tử và máy in số thứ tự tự động, người bệnh chúng tôi vừa đỡ mệt mỏi vừa đỡ mất thời gian chờ đợi”. Còn bệnh nhân Nguyễn Thị Yên (tổ dân phố 3, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng: “Trước đây, mỗi lần đi khám bệnh dù là bệnh nhẹ hay nặng đều phải mất cả buổi, nhưng bây giờ thì nhanh rồi, chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ là tôi đã được nhận thuốc, toa thuốc in rõ ràng cùng chỉ dẫn cụ thể khỏi phải lo nhầm thuốc. Quả thực có máy móc làm thay tiện lợi hơn hẳn”.
Cùng với hiệu quả trong cải cách thủ tục hành chính, hệ thống phần mềm công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện còn tạo được hiệu quả mạnh mẽ trong lĩnh vực quản lý tài chính của bệnh viện. Đơn cử như việc chi trả lương và phụ cấp hằng tháng cho cán bộ công nhân viên của BV. Trước đây, với cách làm thủ công, việc tính các khoản phụ cấp ngoài lương như tiền trực, tiền đặc thù, tiền phẫu thuật, tiền ngoài giờ… phải do các khoa phòng tự thống kê rồi nộp về cho phòng tài chính làm cơ sở để tính toán cho từng nhân viên. Để hoàn thành được mức thu nhập tăng thêm của lực lượng nhân viên lên đến gần 800 người thường thì phải mất hàng chục ngày. Do đó, việc chi trả chế độ cho cán bộ công nhân viên thường không kịp thời. Nhưng từ khi có hệ thống phần mềm quản lý, các công đoạn này được rút ngắn, chỉ cần các khoa, phòng nhập dữ liệu ban đầu, hệ thống tự động tính toán, nên các khoản thu nhập ngoài lương của cán bộ công nhân viên trong đơn vị được chi trả ngay trong thời điểm đầu tháng kế tiếp. Hay việc nộp viện phí của bệnh nhân cũng được đơn giản hơn rất nhiều nhờ phần mềm quản lý nói trên. Hiện tại, người nhà bệnh nhân chỉ cần đến phòng thu viện phí để nộp số tiền cần thiết đã trừ bảo hiểm, mà không cần phải qua bất cứ khâu nào khác để nộp cho từng dịch vụ y tế đã sử dụng hoặc thanh toán tiền bảo hiểm y tế… như trước nữa.
Bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, quản lý tài chính rõ ràng, chi tiết, phần mềm công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện còn phát huy tối đa hiệu quả trong trường hợp cấp cứu người bệnh. Bởi trên thực tế, các trường hợp phát hiện bệnh nặng thì các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng đã được lưu đầy đủ trong hệ thống mạng. Bác sĩ điều trị chỉ cần gõ thông tin họ tên của bệnh nhân vào máy là có thể nắm rõ tình hình. Đồng thời, trong quá trình bệnh nhân được chuyển lên phòng cấp cứu thì các y bác sĩ trực đã có đầy đủ thông tin về bệnh trạng của bệnh nhân sắp được cấp cứu để chuẩn bị trang thiết bị, nhân lực và phương pháp điều trị thích hợp. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn mang lại sự chủ động cho đội ngũ y bác sĩ, góp phần nâng cao tỷ lệ cứu sống người bệnh. Chia sẻ về hiệu quả của việc ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, bác sĩ Bùi Trường Phong, Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, BV là một đơn vị có lĩnh vực tài chính cũng như lĩnh vực chuyên môn đặc thù và phức tạp. Một bệnh nhân có thể nằm viện một tuần, một tháng, thậm chí là vài tháng; bệnh nhân chỉ mắc một bệnh cũng cần có nhiều số liệu về lâm sàng, cận lâm sàng; hay một hồ sơ bệnh án có thể có đến vài trăm khoản chi phí cần tính toán. Trước đây, việc thống kê tất cả các công đoạn nói trên đều do nhân viên tự cộng trừ bằng tay rất mất thời gian và dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên, từ khi áp dụng phần mềm công nghệ thông tin vào quản lý đã hỗ trợ cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế, giảm tải bớt áp lực công việc đối với nhân viên và làm hài lòng các bệnh nhân khi sử dụng dịch vụ y tế tại bệnh viện.
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý tại BVĐK tỉnh trong thời gian qua đã đem lại những lợi ích vô cùng thiết thực, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng quản lý cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ bệnh nhân.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc