Phòng ngừa viêm nhiễm đường sinh sản ở phụ nữ
Viêm nhiễm phụ khoa (nhiễm khuẩn đường sinh sản) là bệnh thường gặp ở phụ nữ trong mọi lứa tuổi, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Bệnh có các biểu hiện như: âm đạo có dịch tiết bất thường, cơ quan sinh dục ngứa, rát hoặc khi đi tiểu cảm thấy đau buốt… Theo nhiều chuyên gia thì bệnh viêm nhiễm phụ khoa là bệnh rất dễ tái nhiễm hoặc tái phát, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người phụ nữ.
Bác sĩ chuyên khoa I H’Bê Niê, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản về các biện pháp phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa. |
Theo thống kê mới đây của Trung tâm Giải phẫu học - Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, Trung tâm đã tiến hành khám trên 70.000 bà mẹ trong cả nước, thì có gần 90% phụ nữ bị viêm nhiễm đường sinh dục, trong đó có 70% phụ nữ thuộc nhóm giáo viên, cán bộ công chức. Tác nhân gây bệnh thường do nấm, ký sinh trùng roi, vi khuẩn lây truyền qua đường sinh dục… gây viêm âm hộ, âm đạo, cổ tử cung. Bên cạnh đó, việc vệ sinh bộ phận sinh dục không thường xuyên, hoặc rửa quá nhiều lần với loại dung dịch tẩy rửa làm tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong môi trường âm đạo cũng gây ra viêm nhiễm phụ khoa.
Bác sĩ chuyên khoa I H’Bê Niê, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết: “Nhiễm khuẩn đường sinh sản (viêm nhiễm phụ khoa) là thuật ngữ rộng bao gồm các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và nhiễm khuẩn không lây truyền qua đường tình dục. Nhiễm khuẩn đường sinh sản gồm ba loại: các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục như nhiễm chlamidia, lậu, giang mai, hạ cam, herpes, sùi mào gà, nhiễm HIV…; nhiễm khuẩn nội sinh do tăng sinh quá mức các vi sinh vật trong âm đạo như viêm âm đạo do vi khuẩn, viêm âm hộ, âm đạo do nấm men; nhiễm khuẩn y sinh do thủ thuật y tế không vô trùng”.
Khi đời sống xã hội nâng cao, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng được nhiều người quan tâm hơn, nhất là chị em phụ nữ, việc khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật đặc biệt được chú trọng. Theo báo cáo của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, công tác khám và điều trị bệnh phụ khoa trong năm 2012 là 247.365 lượt trường hợp, tăng gần 38.000 lượt người so với năm 2011. Tuy nhiên, vẫn còn một số chị em phụ nữ có tâm lý e ngại, không đi khám định kỳ hoặc khi bệnh nặng mới đến cơ sở y tế, điều đó gây khó khăn trong việc phát hiện sớm và điều trị bệnh. Viêm nhiễm phụ khoa nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, đúng và đủ liều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh, như: viêm tiểu khung, vô sinh, chửa ngoài tử cung, ung thư cổ tử cung, gây sẩy thai, trẻ sinh ra thiếu cân hoặc mù lòa, nhiễm khuẩn… Do đó, phụ nữ cần thực hiện vệ sinh vùng sinh dục ngoài hằng ngày, đúng cách với nước sạch hoặc dung dịch vệ sinh phụ nữ chuyên dụng, đặc biệt là các ngày hành kinh. Tuy nhiên, tránh lạm dụng thuốc rửa phụ khoa, rửa sâu vào âm đạo gây rối loạn PH âm đạo làm chết vi khuẩn có lợi dẫn đến viêm phụ khoa. Lưu ý, không nên mặc quần áo quá dày, bó chặt và không mặc đồ lót ẩm ướt; quan hệ tình dục an toàn, chung thủy một vợ một chồng…
Ngoài việc khám định kỳ, chị em cần theo dõi các dấu hiệu bất thường của vùng kín và đến cơ sở y tế chuyên khoa kịp thời để kiểm tra, phát hiện sớm và điều trị bệnh. Khi điều trị, người bệnh cần thực hiện dùng thuốc đúng và đủ liều, tuân thủ nghiêm túc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp viêm nhiễm âm đạo, âm hộ và cổ tử cung do nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục thì cần được điều trị dứt điểm cả cặp bạn tình và tái khám đúng thời gian.
Hương Xuân – Đình Thi
Ý kiến bạn đọc