Biện pháp phòng bệnh cúm A (H5N1) ở người
Hiện nay tại một số địa phương của nước ta đã xuất hiện bệnh nhân bị nhiễm vi rút cúm A như: bệnh cúm A/H5N1, A/H1N1 và tại nước bạn giáp biên giới như Trung Quốc, bệnh cúm A/H7N9 đang bùng phát nhanh. Đây là những bệnh có nguy cơ xảy ra trên phạm vi rộng và gây ra biến chứng rất nguy hiểm.
Bệnh cúm A/H5N1 do vi rút cúm A/H5N1 gây ra. Vi rút cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người do tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm bị bệnh hoặc trung gian qua các thực phẩm chế biến từ gia cầm, thủy cầm bị bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp như: giết mổ, vận chuyển, mua bán hoặc tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm, chim hoang dã bị nhiễm bệnh...
Khi bị nhiễm cúm A/H5N1 thường người bệnh có những dấu hiệu như: sốt cao đột ngột trên 380C, đau đầu, đau nhức cơ, ho khan kéo dài, đau họng, tức ngực, khó thở, nghe phổi có tiếng ran, da tím tái nhanh, mệt mỏi, tiêu chảy, rối loạn ý thức... Bệnh thường diễn biến rất nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Hiện nay, việc điều trị bệnh cúm A/H5N1 đang gặp nhiều khó khăn, việc phòng bệnh là rất quan trọng.
Để phòng bệnh cần tiêm vắc xin phòng bệnh cho các loại gia cầm, thủy cầm.
Vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống: Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, trước khi chế biến thực phẩm và khi nấu ăn; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm và sau khi đi vệ sinh. Che miệng bằng khăn giấy hoặc bằng tay khi ho và hắt hơi, sau đó rửa tay bằng xà phòng; đeo khẩu trang và mang bao tay khi tiếp xúc với gia cầm sống và khi giết mổ gia cầm; chỉ ăn thịt và các sản phẩm từ gia cầm đã được kiểm dịch và có nguồn gốc tin cậy; dùng dao, thớt riêng khi thái thịt sống và thịt chín; tuyệt đối không ăn thịt chưa chín, trứng sống, trứng lòng đào (nửa sống nửa chín) và tiết canh, không sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm mắc bệnh hoặc chết.
Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh: Nguy cơ lây nhiễm là qua tiếp xúc, giết mổ gia cầm sống bị nhiễm bệnh. Vì vậy, không nên nuôi gia cầm trong nhà; hạn chế số người trong gia đình tiếp xúc với gia cầm; hạn chế trẻ em, phụ nữ có thai và người ốm tiếp xúc với gia cầm; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm. Khi làm việc ở nơi chăn nuôi gia cầm, thủy cầm phải đeo khẩu trang khi quét dọn sân, vườn; tiêu hủy chất thải gia cầm, thủy cầm một cách an toàn xa nơi chăn nuôi và sinh hoạt; đốt hoặc chôn chất thải gia cầm, thủy cầm sâu dưới đất để gà, chó, mèo không bới lên được; nên có giày, dép riêng khi làm việc ở nơi chăn nuôi và rửa sạch giày, dép bằng nước và xà phòng hàng ngày; phát hiện sớm và thông báo cho cán bộ thú y ngay khi thấy gia cầm ốm và chết.
Nếu phải giết mổ gia cầm tại nhà cần thực hiện các bước giết mổ gia cầm an toàn như: đeo khẩu trang, che mũi và miệng; đeo găng tay để tránh tiếp xúc tối đa với chất thải, lông, máu và phủ tạng gia cầm; rửa tay bằng xà phòng sau khi giết mổ gia cầm; rửa sạch nơi giết mổ gia cầm bằng nước xà phòng.
Thường xuyên tẩy uế chuồng trại: phun thuốc cloramin B xung quanh khu vực nhà ở, thậm chí trong từng gia đình. Sau khi ra khỏi khu vực đang xảy ra dịch, nhân viên y tế, cán bộ thú y mới được cởi bỏ trang bị và quần áo bảo hộ (cho ngay đồ vào túi nylon, buộc kín lại, ngâm vào dung dịch tẩy trùng và đưa đi tiêu hủy). Đồ dùng của bệnh nhân phải được ngâm dung dịch tẩy trùng 20 phút, sau đó giặt sạch và phơi khô. Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Khi có dấu hiệu như sốt, ho, khó thở có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc