Multimedia Đọc Báo in

Chăm sóc trẻ bị bệnh tiêu chảy tại nhà

09:24, 08/05/2013

Thời tiết nắng nóng là nguyên nhân làm cho thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn; khi ăn phải những thực phẩm nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc có thể bị tiêu chảy. Khi bị tiêu chảy cơ thể sẽ mất nước và chất điện giải, điều này rất nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ đây là nguyên nhân hàng đầu khiến cho trẻ bị suy dinh dưỡng.

Theo báo cáo của Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, trong quý I năm 2013, Khoa đã tiếp nhận khám và điều trị cho hàng trăm lượt bệnh nhi, trong đó hơn 500 ca mắc bệnh tiêu chảy và điều trị nội trú hơn 200 ca. Từ đầu tháng 3, trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận điều trị gần 10 trường hợp trẻ mắc bệnh tiêu chảy.

Biểu hiện đầu tiên của bệnh tiêu chảy là trẻ đi cầu liên tục, mất nước, có thể sốt nhẹ và nôn mửa.

Hiện nay, đã có nhiều biện pháp điều trị đơn giản mà hiệu quả và có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Người chăm sóc trẻ cần thực hiện tốt 3 nguyên tắc do Tổ chức Y tế thế giới đưa ra để hướng dẫn các bà mẹ chăm sóc trẻ tại nhà:

1. Cho trẻ uống nhiều nước hơn thường ngày để ngừa mất nước do tiêu chảy: Cho trẻ uống đủ lượng nước oresol ngay khi mới bị tiêu chảy và cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt. Nếu trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ thì chỉ cần sữa mẹ là đủ. Các trường hợp khác nên cho trẻ uống thêm các loại nước canh, nước cháo, sữa đậu nành, nước cam, nước dừa... Tuyệt đối, không cho trẻ uống các loại nước có gas, nước ép trái cây quá ngọt.

Cách pha dung dịch oresol: một gói oresol pha với 1lít nước sôi để nguội và tùy theo lứa tuổi mà cho trẻ uống (lượng nước uống có ghi trên gói oresol). Oresol là dung dịch điện giải, không có tác dụng cầm tiêu chảy nhưng giúp bù lại lượng nước và các chất điện giải bị mất qua phân. Khi pha chế cần tuân thủ đúng hướng dẫn về cách pha, cách sử dụng của bác sĩ hoặc theo hướng dẫn ghi trên gói oresol.

2. Cho trẻ ăn và bú nhiều hơn thường ngày: Nếu trẻ còn bú mẹ nên cho trẻ bú nhiều lần hơn và mỗi lần bú lâu hơn. Cho trẻ ăn thành nhiều bữa, thêm ít nhất hai bữa so với những ngày không bị bệnh. Nếu trẻ còn bú bình nên dùng muỗng đút sữa cho trẻ.

Về thực phẩm nên cho trẻ ăn đủ bốn nhóm bột đường (gạo, ngô, khoai, sắn..), đạm (thịt, cá, trứng...), vitamin và chất khoáng (rau, trái cây các loại), quan trọng đừng quên nhóm dầu mỡ.

 Thức ăn cần nấu nhừ, cho trẻ ăn thêm trái cây tươi như: nho, xoài, chuối... Các thức ăn đều cho trẻ ăn bình thường, phù hợp với lứa tuổi. Không kiêng ăn, kiêng sữa, không cần pha loãng sữa. Một số người chăm sóc trẻ quan niệm khi trẻ bị tiêu chảy không nên cho trẻ ăn gì để ruột nghỉ ngơi, hay có người lại cho trẻ uống những thứ nước chát như: nước chè, nước lá ổi... Điều này là hết sức sai lầm và rất nguy hiểm. Thực tế dù trẻ bị tiêu chảy nhưng vẫn còn khả năng hấp thu hơn 70% chất dinh dưỡng. Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng giúp trẻ phục hồi và tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Thực tế cho thấy, một số bà mẹ khi trẻ bị bệnh tiêu chảy thường kiêng không cho con ăn cá, trứng, sữa chua, nước cam, nho... vì cho rằng ăn những thức ăn này sẽ làm trẻ bệnh nặng thêm. Nhưng theo bác sĩ chuyên khoa I Trần Kim Long, Phó khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, chính những nguyên nhân kiêng không cho con ăn những thức ăn như trên có thể dẫn đến các trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng sau khi mắc bệnh hoặc trẻ có thể mắc một số bệnh khác.

3. Cho trẻ tái khám đúng hẹn: Nếu bác sĩ hẹn tái khám thì người chăm sóc trẻ cần đưa trẻ đến đúng lịch.

Trong thời gian chăm sóc trẻ tại nhà, nếu trẻ có một trong những biểu hiện như trẻ bỏ ăn, bỏ bú, mệt và bệnh nặng thêm, trẻ ói liên tục, trẻ sốt, đi cầu phân có máu, trẻ li bì khó đánh thức, hay trẻ bị co giật cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Để phòng bệnh cần cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi uống vắc xin phòng bệnh tả và vi rút Rota. Bảo đảm nguyên tắc ăn chín, uống sôi cho trẻ. Tạo thói quen rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh. Thường xuyên làm sạch đồ chơi của trẻ, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát. Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ. Khi có trẻ mắc bệnh phải cách ly, tẩy uế phân, bô chậu và sàn nhà, bù nước điện giải để chống mất nước điện giải; vẫn cho trẻ ăn và bú bình thường, không dùng chung dụng cụ ăn uống, khăn, chậu rửa…

Hồng Vân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.