Multimedia Đọc Báo in

Cách bổ sung vi chất dinh dưỡng an toàn

08:29, 05/06/2013

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Vi chất dinh dưỡng gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E...) và  nhóm  các nguyên tố khoáng (canxi, photpho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng...). Những chất này có nhiều trong các thức ăn  nguồn gốc động vật, thực vật rất phong phú và đa dạng của Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều bà mẹ do chưa hiểu biết đúng về vai trò cũng như là nhu cầu của vi chất dinh dưỡng nên đã cho trẻ uống bổ sung không đúng cách gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trong một báo cáo được công bố đầu năm 2013 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, trẻ em Việt Nam từ 6 tháng đến 12 tuổi  thiếu vi chất nghiêm trọng. Có hơn 50% trẻ em thiếu hụt các vi chất như vitamin A, B1, C, D và sắt trong khẩu phần ăn hàng ngày, điều đó cho thấy bữa ăn truyền thống chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ em trong giai đoạn phát triển rất nhanh. Có 3 bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng quan trọng đang tác động đến sức khỏe cộng đồng là bướu cổ do thiếu iod, thiếu máu dinh dưỡng do thiếu  sắt và khô mắt do thiếu vitamin A. Ngoài ra, hiện nay một vấn đề cũng cần quan tâm đó là bệnh còi xương do thiếu vitamin D gây ảnh hưởng đến tầm vóc của con người.

Cho trẻ
Bổ sung vitamin A cho trẻ nhỏ 1 năm 2 lần là một trong những Chương trình phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng đang được triển khai ở nước ta. Ảnh minh họa

Trên thực tế, vi chất dinh dưỡng là những chất rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể, nhưng nhu cầu thì cần một lượng rất nhỏ, có thể tính chỉ bằng mcg đến mg, song khi thiếu lại gây nên nhưng hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, việc phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là việc rất cần thiết cho mọi người, nhất là ở trẻ em. Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, chủ động và an toàn nhất là thông qua nguồn thực phẩm để bổ sung vitamin và các khoáng chất trong từng bữa ăn. Các chuyên gia dinh dưỡng đã khuyến cáo bữa ăn cần đa dạng, phối hợp nhiều loại từ 4 nhóm thực phẩm và thường xuyên thay đổi ngay từ khi trẻ nhỏ mới bắt đầu ăn bổ sung (ăn dặm). Khuyến khích các bà mẹ cho con bú ngay sau sinh để trẻ bú được sữa non, vì trong sữa non hàm lượng vitamin A cao, giúp trẻ khỏe, tăng sức đề kháng và chống được bệnh. Trẻ nhỏ cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì sữa mẹ là nguồn thực phẩm tự nhiên có đủ vi chất dinh dưỡng, đáp ứng được nhu cầu của trẻ.

Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, nước ta đã và đang triển khai nhiều chương trình như: Chương trình Phòng chống thiếu vitamin A bằng các hoạt động bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 - 60 tháng, 1 năm 2 lần; cho bà mẹ sau sinh uống vitamin A liều cao; bổ sung vitamin A cho những trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, những trẻ bị tiêu chảy kéo dài, viêm đường hô hấp dai dẳng; Chương trình Phòng chống rối loạn do thiếu iốt bằng việc khuyến khích mọi gia đình sử dụng muối iốt và sản phẩm iốt (nước mắm, bột nêm) trong chế biến thức ăn; Chương trình Phòng chống thiếu máu dinh dưỡng bằng cách cho phụ nữ có thai uống viên sắt - acid folic trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, ngoài các chương trình này, các bà mẹ cũng nên biết và lựa chọn những loại thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng. Cụ thể, cơ thể hấp thu sắt từ hai nguồn thức ăn: động vật (thịt bò, lòng đỏ trứng gà, tim, gan, cá...) và thực vật (đậu, đỗ, rau lá xanh, mộc nhĩ, nấm hương...). Để có nguồn can xi dồi dào nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm: tôm, tép, cua, cá, sữa, phomai, rau dền, rau mồng tơi... Còn vitamin D lại có nhiều trong dầu gan cá, cá biển, gan, trứng gà... Các loại cá biển, rong biển, rau  cải xoong, tảo... là những thực phẩm có nhiều iốt. Thực phẩm có nhiều kẽm gồm: lòng đỏ trứng gà, so, trai, hến, lươn, ốc, củ cải, đậu tương... Thực phẩm có nhiều vitamin A như: thịt, gan, trứng gà, sữa, lươn, rau xanh, quả có màu vàng, đỏ (gấc, cà rốt, bí đỏ, xoài, đu đủ)…

K.O (nguồn SK&ĐS)

ỡn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.