Cần chủ động phòng ngừa vi khuẩn Aeromonas Hydrophyla
Vi khuẩn Aeromonas Hydrophyla có thể gây hoại tử các tổ chức trong cơ thể một cách nhanh chóng. Tuy ít gặp ở người nhưng nhiễm trùng huyết do vi khuẩn này gây ra làm bệnh diễn tiến rất nhanh, đe dọa đến tính mạng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, Aeromonas Hydrophyla là vi khuẩn có ở nước bẩn, chủ yếu gây bệnh cho cá, tôm và các loài ếch nhái. Đôi khi vi khuẩn này gây bệnh cho người, biểu hiện là ba bệnh: tiêu chảy do uống phải nước bẩn nhiễm Aeromonas Hydrophila với bệnh cảnh giống bệnh tả nhưng mức độ nhẹ; nhiễm trùng đường mật dẫn đến nhiễm trùng huyết ở bệnh nhân xơ gan; viêm mô mềm hoại tử, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết ở người khỏe mạnh, có vết thương, xây xát và tiếp xúc với nước bẩn, bùn có vi khuẩn.
Tại Việt Nam, từ năm 2010 đến nay đã ghi nhận khoảng hơn 10 ca bệnh. Các trường hợp ở Việt Nam nhiễm Aeromonas hydropilia nhập viện thường có biểu hiện đặc trưng hoại tử vùng cổ, ngực, chân tay…
Bác sĩ Cấp khuyến cáo, tuy ít gặp ở người nhưng nhiễm trùng huyết do Aeromonas Hydrophila là thể bệnh rất nặng. Trước đây, tỷ lệ tử vong có thể tới gần 100%, ngày nay nhờ những tiến bộ về hồi sức mà có thể hạn chế được phần nào hậu quả. Trong 10 ca được ghi nhận trong 2 năm 2010 - 2011 chỉ có 3 ca được cứu sống, 7 ca còn lại đều tử vong. Điều khó khăn trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân nhiễm vi khuẩn ăn thịt người là bác sĩ tuyến cơ sở hầu như chưa tiếp cận với bệnh nhân do đây là loại bệnh hiếm gặp nên khó chẩn đoán, dù diễn biến bệnh rất nhanh, bệnh nhân sốc và suy đa phủ tạng. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kháng sinh sẽ có đáp ứng tốt. Bên cạnh đó, yếu tố lây nhiễm vi khuẩn này vẫn chưa được xác định trong các bệnh nhân tại nước ta.
Để phòng bệnh này, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên hạn chế tiếp xúc với nguồn nước bẩn, tránh lội vào vùng nước có bùn khi trên cơ thể có vết xây xát. Những người phải làm việc thường xuyên trong môi trường nước bẩn, nên có trang bị phòng hộ phù hợp. Nếu có dấu hiệu sưng nề, hoại tử ở vùng có vết thương sau khi tiếp xúc nước bẩn thì cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
K.O (nguồn SK&ĐS)
Ý kiến bạn đọc