Dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi
Dinh dưỡng của người mẹ trong giai đoạn mang thai không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ sau này.
Thời gian đầu trứng đã thụ tinh làm tổ trong buồng tử cung có nguồn năng lượng dự trữ đủ phát triển mà chưa cần đến nguồn dinh dưỡng ở người mẹ. Đến thời kỳ bánh nhau (rau) đã phát triển, các rễ nhau xuyên sâu vào trong thành tử cung để nhận nguồn dinh dưỡng từ máu của người mẹ, lúc này nguồn dinh dưỡng để thai nhi phát triển là hoàn toàn dựa vào nguồn dinh dưỡng từ máu của người mẹ. Tuy nhiên, việc ăn uống của người mẹ cũng phải phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thai nhi thì mới đạt hiệu quả cao.
Trong 3 tháng đầu mang thai: Thai nhi phát triển tương đối chậm nên trọng lượng cơ thể người mẹ tăng rất ít. Người mẹ chỉ cần ăn uống như trước khi mang thai là được. Nếu muốn ăn thêm nên chọn các loại hoa quả, bánh gạo, không nên ăn bánh quy, socola, nước ngọt... vì những thực phẩm này chỉ giúp giảm đói trong chốc lát. Luyện tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ giúp cơ bắp dẻo dai, duy trì cân nặng hợp lý.
Trong ba tháng giữa của thời kỳ mang thai (từ tháng 4 - 6): Giai đoạn này thai nhi phát triển nhanh, đòi hỏi nhu cầu về các loại dinh dưỡng tăng lên. Nếu không đáp ứng lượng dinh dưỡng cần thiết sẽ xuất hiện trên người phụ nữ mang thai nhiều hiện tượng khó chịu như thiếu máu, chuột rút… Trong thời kỳ này người mẹ cần ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng như trứng, thịt nạc, cá, đậu, sữa, rau xanh và trái cây để tăng cường đạm, đường, các khoáng chất và các vitamin.
Để đề phòng táo bón người mẹ nên ăn nhiều loại rau như: rau cần, rau hẹ…; không nên ăn các loại rau quả không có lợi cho phụ nữ ở thời kỳ mang thai như: rau chân vịt, nhãn, gan động vật… hay các loại kích thích gây ảnh hưởng đến tim mạch, nhịp thở và giấc ngủ, thần kinh như: ớt, rượu, trà đặc, cà phê, socola, thuốc lá…
Thời gian cuối của giai đoạn mang thai (7-9 tháng): Thai nhi phát triển nhanh hơn, lượng dinh dưỡng cần cho thai nhi cao nhất ở giai đoạn này. Người mẹ phải ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng để bảo đảm nhu cầu phát triển nhanh chóng của thai nhi. Nghĩa là cần phối hợp một cách hợp lý các loại thức ăn, cố gắng làm cho bữa ăn đa dạng, nhưng vẫn cần hạn chế chất béo động vật để ngăn ngừa các chứng bệnh khác cho cả mẹ và thai nhi.
Tốt nhất là xây dựng một thực đơn cho một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, bao gồm:
- Thức ăn phải có đủ 4 nhóm chất: đạm, béo, bột đường, các vitamin và muối khoáng, chất xơ.
- Cần cung cấp đủ nước cho cơ thể để giúp chuyển hóa các chất thông qua các phản ứng sinh hóa trong cơ thể, đào thải các chất cặn bã, chất độc trong cơ thể qua đường tiết niệu, mồ hôi, hơi thở, điều hòa thân nhiệt...
- Thực phẩm phải an toàn: Thịt, cá, hải sản, trái cây phải tươi sống không bị dập nát. Các loại rau quả khi chế biến không làm nhàu nát để khi rửa không làm mất vitamin tan trong nước như nhóm B, C, PP, acid folic…Thay đổi thực đơn ăn uống thường xuyên để vừa đủ chất lại ngon miệng.
Để bảo đảm sức khỏe khi mang thai cũng như sau khi sinh các bà mẹ cần đi khám thai định kỳ 3 tháng một lần để được chẩn đoán sớm những bất thường về sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của chính bản thân mình. Tiêm ngừa uốn ván để phòng ngừa uốn ván sơ sinh cho trẻ. Nên uống bổ sung thêm viên sắt phòng thiếu sắt gây thiếu máu ở người mẹ. Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua được việc bổ sung thêm iốt bằng việc ăn muối có chứa iốt, mặc dù mỗi ngày chỉ cần một lượng iốt rất nhỏ nhưng nếu thiếu sẽ gây ra hiện tượng đẻ non, trẻ chậm phát triển trí tuệ...
Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và làm việc hợp lý sẽ giúp các bà mẹ có sức khỏe tốt trong suốt thời kỳ mang thai và sau khi sinh con.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc