Multimedia Đọc Báo in

Tự ý truyền dịch: Mối nguy hại khó lường

11:00, 27/07/2013
Chị Trần Thị Hiền làm rẫy thuê tại xã Ea Noul (huyện Buôn Đôn), bị cảm cúm, nhức đầu. Sau khi uống thuốc cảm đã bớt nhưng thấy trong người vẫn chưa khỏe hẳn, nghe mọi người mách bảo, chị liền đến quầy dược để truyền nước hoa quả cho nhanh khỏe. Truyền hết một chai thấy vẫn chưa khỏe, cô dược tá động viên chị nên truyền tiếp chai nữa và chị đồng ý. Nhưng khi truyền được gần nửa chai dịch thứ 2, chị cảm thấy đầu choáng váng, nôn ói, rồi lên cơn rét run, tay chân cứng đờ, không nói được nữa. Cô dược tá vội vàng gọi xe đưa chị vào viện và được các y, bác sĩ cấp cứu kịp thời. Bác sĩ cho biết chị bị sốc phản vệ do truyền dịch, nếu chậm trong giây lát có thể sẽ không giữ được tính mạng. Chị Hiền rút kinh nghiệm: “Trước đây tôi cứ tưởng rằng truyền dịch để tăng sức khỏe, chứ không biết nó lại có thể xảy ra những bất trắc như vậy. Từ khi được các bác sĩ trong bệnh viện khuyên và hướng dẫn về những biện pháp tăng cường sức khỏe hiệu quả khác như: bổ sung dinh dưỡng bằng ăn uống, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý sau ốm… tôi đã tích cực áp dụng chứ không dám nghĩ đến đi truyền dịch như trước đây...”.

Nhiều người cho rằng truyền dịch là một phương pháp hữu hiệu giúp cải thiện sức khỏe một cách nhanh chóng, làm đẹp da… chính vì vậy đã lạm dụng truyền dịch. Cũng theo chị Hiền, trong quầy dược nhỏ gần chợ mà chị đã đến truyền dịch, dường như ngày nào cũng có người đến truyền dịch; thậm chí có khi phải nằm 2 người trên một chiếc giường nhỏ. Đa số đều là những người lao động trong địa bàn xã, có người thì vừa ốm xong, người đang bị cảm sốt, người bị mệt mỏi, cả người lớn và trẻ em đều đến đó truyền dịch... Cô dược tá luôn đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng mà không hướng dẫn cho người bệnh đến cơ sở y tế để thực hiện việc truyền dịch.

Bác sĩ Cao Mạnh Hùng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Khi truyền dịch với bất cứ loại dịch truyền nào, đều có thể có các tai biến trầm trọng xảy ra. Các bệnh nhiễm như HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C… đều có thể lây nhiễm qua con đường tiêm chích, đặc biệt qua truyền dịch, nếu việc truyền dịch bừa bãi không đúng quy cách, không được vô trùng. Ngoài ra, do truyền dịch đưa vào cơ thể một số lượng nước lớn, các chất điện giải, các chất dinh dưỡng nên có thể gây rối loạn về chuyển hóa, gây các hiện tượng phù ở tim, thận… Đặc biệt, dịch truyền có thể gây phản ứng toàn thân khi cơ thể không “chịu” như hiện tượng sốt run hoặc gây sốc dịch truyền rất nguy hiểm. Về nước hoa quả, theo bác sĩ Hùng, đây là một dung dịch chứa các vitamin tổng hợp có thể cải thiện sức đề kháng, giúp ăn ngon nên chỉ dành cho những trường hợp yếu sức, mất cân bằng hoặc thiếu vitamin trầm trọng, ăn uống kém. Nó không phải là “thần dược” để có thể tái tạo làn da hay "cải lão hoàn đồng” như mọi người vẫn lầm tưởng. Ngay cả việc đưa các dưỡng chất vào trong cơ thể qua đường máu cũng phải hết sức cân nhắc và phải được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn, chỉ định truyền sau khi đã có những xét nghiệm đầy đủ có kết quả về cơ thể đang thiếu hụt những gì. Việc tự ý truyền dịch mà không có ý kiến của bác sĩ sẽ có nguy cơ xảy ra tai biến rất cao như: phù chỗ tiêm, đau sưng nơi vùng đang truyền dịch, viêm tĩnh mạch, dị ứng gây khó thở, đau ngực, sốc phản vệ. Trên thực tế, không ít trường hợp bị sốc khiến cơ thể lạnh toát hoặc tím tái ngay sau khi truyền được vài phút. Nếu không kịp thời xử lý diễn biến sẽ rất nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.

Cần phải hiểu rõ rằng đối với những trường hợp sốt cao, đi ngoài nhiều dẫn đến mất nước trầm trọng mà không thể bù được bằng đường uống thì mới được bác sĩ chỉ định truyền. Những người sau ốm cần bổ sung những thức ăn giàu dinh dưỡng, có chế độ ăn uống phù hợp để nhanh hồi phục, không cần phải truyền nước hoa quả để hồi phục.

Trần Lan

 


Ý kiến bạn đọc