Multimedia Đọc Báo in

Những điều cần biết về huyết áp thấp

09:42, 28/08/2013

Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Khi tim co bóp, máu sẽ được tống ra ngoài và ép vào thành động mạch làm thành mạch căng ra. Theo Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa và phân độ huyết áp: Huyết áp tối ưu khi huyết áp tâm thu (tối đa) nhỏ hơn 120 mmHg và huyết áp tâm trương (tối thiểu) nhỏ hơn 80 mmHg (120/80mmHg). Huyết áp bình thường khi huyết áp tâm thu nhỏ hơn 130 mmHg và huyết áp tâm trương nhỏ hơn 85mmHg.

Ở người bình thường huyết áp ban ngày cao hơn ban đêm, huyết áp hạ xuống thấp nhất vào khoảng 1-3 giờ sáng khi chúng ta đang ngủ say và huyết áp cao nhất từ 8-10 giờ sáng. Khi vận động, gắng sức về thể lực, căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh... đều có thể làm huyết áp tăng lên. Nếu nghỉ ngơi, thư giãn huyết áp sẽ hạ xuống. Khi bị lạnh gây co mạch, dùng một số thuốc gây co mạch, hoặc thuốc gây co bóp cơ tim, ăn mặn có thể làm huyết áp tăng lên. Ở môi trường nóng, ra nhiều mồ hôi, bị tiêu chảy hoặc dùng thuốc dãn mạch... có thể gây hạ huyết áp. Đối với nữ có tỷ lệ mắc nhiều hơn nam. Huyết áp trung bình của người Việt Nam là 120/80mmHg, người bị huyết áp thấp là khi huyết áp tâm thu thấp hơn 110mmHg.

Huyết áp thấp ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe vì tình trạng huyết áp thấp làm lưu lượng máu lên não giảm, người bị huyết áp thấp thường xuyên có cảm giác hoa mắt, chóng mặt nhất là khi đang nằm hay ngồi đứng dậy đột ngột; khi lao động sẽ cảm thấy nhanh chóng bị mệt mỏi. Nếu chỉ số huyết áp thấp nhưng huyết áp tâm thu còn trên 80 mmHg thì tuần hoàn não vẫn bình thường nhờ mạch não dãn ra để thích nghi, do đó người bệnh lúc đầu thấy hoa mắt chóng mặt nhưng sau khi nghỉ ngơi 15-20 phút thì thấy dễ chịu hơn, mặc dù chỉ số huyết áp vẫn không tăng lên. Khi chỉ số huyết áp tâm thu thấp hơn nữa thì xuất hiện những cơn tụt huyết áp do thiếu máu não trầm trọng, có thể gây tổn thương não tạm thời hay vĩnh viễn. Bên cạnh đó, huyết áp thấp còn gây ra một số biến chứng nguy hiểm ở tim, thận... Tình trạng này kéo dài, sẽ làm cho người bệnh luôn có cảm giác mệt mỏi, huyết áp hạ thấp hơn có thể gây choáng ngất. Khi biết mình bị huyết áp thấp, cần lưu ý lúc đi lại, sinh hoạt hằng ngày như đang đi xe máy, xe đạp nếu thấy chóng mặt, mặt mày xây xẩm nên dừng xe vào lề đường, ngồi nghỉ 15-20 phút, khi cảm thấy khỏe hẳn mới đi tiếp.

Có rất nhiều người nhầm lẫn giữa huyết áp thấp mãn tính với một số bệnh lý khác. Huyết áp thấp do thiếu máu có thể bổ sung thức ăn chứa nhiều sắt như thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay, rau dền, quả lựu, táo. Huyết áp thấp nếu không được điều trị tận gốc sẽ tiến triển nặng hơn và rất dễ tái phát. Một vài giải pháp tạm thời như uống nước đường, trà gừng, cà phê, trà đặc… chỉ cải thiện triệu chứng chứ không đem lại hiệu quả lâu dài; cũng không nên uống cà phê hay trà đặc quá nhiều bởi có thể gây mất ngủ, rối loạn nhịp tim.

Muốn điều trị huyết áp thấp, trong chế độ ăn cần ăn mặn hơn bình thường; ăn đủ ba bữa, nhất là bữa ăn sáng; không nên ăn quá nhiều thức ăn bổ dưỡng như thịt mỡ, sữa béo… Những người huyết áp thấp cần phải ngủ đủ giấc tùy theo nhu cầu của cơ thể. Khi thức dậy, cần phải nằm thêm một lúc, tập một vài động tác thể dục đơn giản (vận động các khớp xương chân tay), sau đó ngồi dậy, để chân trên giường, rồi mới từ từ cho chân ra khỏi giường và vẫn tiếp tục ngồi; khi đứng dậy nên vịn vào ghế, cứ đứng như thế một lúc, sau đó mới đi ra khỏi giường. Nên luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, kiên trì, tùy vào sức khỏe mà chọn lựa môn thể thao phù hợp như: đi bộ, thể dục nhịp điệu, cầu lông… Không tự mình chẩn đoán bệnh qua các dấu hiệu mà nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị, có thể được dùng thêm một số loại thuốc có tác dụng hỗ trợ hoạt động của hệ tim để cho huyết áp tăng lên. Khi đang dùng thuốc cần theo dõi chặt chẽ huyết áp của mình và tái khám đúng hẹn.

 Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc