Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa cận thị ở tuổi học đường

08:55, 11/09/2013

Cận thị là một bệnh bị cả ở trẻ em và người lớn, nhưng hay gặp ở trẻ, ảnh hưởng đến khả năng nhìn, học tập và sinh hoạt của người bị cận. Mắt cận có thể nhìn rõ các vật ở gần nhưng không nhìn rõ các vật ở xa và cận thị là nguyên nhân đứng thứ hai gây mù (có thể điều trị được).

Nguyên nhân gây cận thị:

Cận thị có thể là do bị bẩm sinh nhưng cũng có thể bị cận thị do mắt làm việc ở khoảng cách gần liên tục; cơ chế điều tiết mắt kém phát triển; những yếu tố khác như: ánh sáng không đủ độ chiếu sáng, bàn ghế ngồi học không phù hợp với lứa tuổi học sinh, ngồi học sai tư thế (cúi gằm, nhìn gần, nằm, quỳ khi học bài ở nhà)… hoặc cũng có thể do đọc sách, xem ti vi, tiếp xúc với máy vi tính, chơi trò chơi điện tử nhiều và liên tục. Bình thường khoảng cách thích hợp khi làm việc từ mắt đến sách vở hoặc máy tính là 33-40cm. Nếu mắt phải làm việc ở khoảng cách gần liên tục nhiều giờ trong ngày, nhiều ngày trong tháng, đặc biệt là trong điều kiện thiếu ánh sáng thì thủy tinh thể của mắt luôn luôn phải điều tiết, luôn luôn bị căng phồng, gây nên tình trạng mệt mỏi, căng cứng. Nếu mắt không được nghỉ ngơi, đến một lúc nào đó thủy tinh thể bị căng cứng không thể xẹp xuống được nữa, lực điều tiết của mắt luôn duy trì ở mức quá mạnh, lúc đó mắt bị cận thị.

Biểu hiện khi bị cận thị:

Trẻ nhìn gần trong một thời gian dài, trẻ kêu mắt mờ, nhìn không rõ khi vật ở xa, không phân biệt được hoặc nhầm lẫn không rõ nét số và chữ trên bảng, khi xem chữ trên bảng phải nheo mắt, nghiêng đầu, đọc sách báo, xem tivi phải nhìn ở khoảng cách gần…

Biện pháp phòng ngừa cận thị :

Đối với tật cận thị bẩm sinh thì việc phòng tránh là rất khó, trong thực tế chủ yếu là kiểm tra để phát hiện và điều trị sớm.

Đối với tật cận thị mắc phải thì việc phòng tránh là rất quan trọng và phải được thực hiện ngay từ khi còn bé, cần được sự quan tâm, phối hợp của cả gia đình, nhà trường và cộng đồng xung quanh. Cận thị có thể phòng ngừa bằng cách:

- Hướng dẫn trẻ không đọc sách, truyện, xem tivi… ở khoảng cách gần, liên tục trong nhiều ngày.

- Tạo cho trẻ thói quen chỉ học tập và đọc sách báo ở nơi có đủ ánh sáng. Ánh sáng tốt nhất là ánh sáng tự nhiên vì vậy nên kê bàn học của trẻ ở gần cửa sổ, buổi tối nên có đèn bàn để trẻ học tập. Tránh để ánh sáng chiếu thẳng vào mắt, không nên đọc sách báo dưới trời nắng gắt, cũng không nên đọc sách báo khi đi trên tàu, xe; tránh ngồi sấp bóng hay nằm, quỳ khi học bài ở nhà.

- Việc đeo kính (dù là kính mát) cũng nên chọn loại kính tốt vì kính không trong và không phẳng sẽ làm hại mắt.

- Ăn đủ chất dinh dưỡng, nhất là các loại thực phẩm giàu vitamin A như: gan động vật, trứng gà, trứng vịt, các loại quả có màu đỏ như cà chua, cà rốt, gấc, bí đỏ…

- Tham gia các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện thân thể một cách đều đặn, tham gia các trò chơi giải trí sau các giờ học, có chế độ nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.

- Chú ý vệ sinh phòng bệnh để tránh các bệnh truyền nhiễm về mắt. Nên cho trẻ khám định kỳ 6 tháng một lần tại các cơ sở chuyên khoa về mắt.

- Đối với những trẻ đã bị cận thị, ngoài những điều nêu trên nên đo thị lực đầu học kỳ hoặc mỗi năm một lần tại các cơ sở chuyên khoa mắt để theo dõi mức độ cận, nếu thấy cần phải thay kính cho đúng độ.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc