Multimedia Đọc Báo in

Bệnh đau mắt đỏ đang tăng nhanh

10:40, 04/10/2013
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều trường hợp bị đau mắt đỏ; bệnh nhân gồm nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi. Bệnh đang lây lan nhanh tại các trường học, công sở…khiến cho nhiều người rất băn khoăn, lo lắng.

Theo báo cáo tại Bệnh viện Mắt tỉnh, bệnh đau mắt đỏ xuất hiện rải rác từ đầu tháng 9-2013, tuy nhiên đến nay số người mắc bệnh có chiều hướng tăng rất nhanh. Trung bình một ngày, Bệnh viện khám khoảng hơn 100 bệnh nhân mắc bệnh đau mắt đỏ. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến học tập, lao động và sản xuất.

Bác sĩ khám, tư vấn cho bệnh nhân bị đau mắt đỏ tại phường Tân Thành,  TP. Buôn Ma Thuột.
Bác sĩ khám, tư vấn cho bệnh nhân bị đau mắt đỏ tại phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột.

Anh Nguyễn Nam Phong, trú tại buôn Ea Rông B, xã Krông Ana (huyện Buôn Đôn) kể: “Dạo gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về dịch đau mắt đỏ. Để ngừa bệnh, tôi thường xuyên dặn con phải vệ sinh sạch sẽ vậy mà hôm qua đón cháu đi học về đã có biểu hiện mắt đỏ, ngứa. Đến sáng nay thì mắt đã sưng húp, sợ ảnh hưởng đến thị lực của cháu nên tôi đón xe đưa cháu lên đây khám để được yên tâm”.

Còn chị Lương Bích Thủy, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Tôi có cháu lớn đang học Trường Mầm non phường Tân Thành. Lúc đón cháu về, nghe cháu nói mắt bị ngứa, đỏ cả hai bên, tôi nghĩ chắc bụi bám vào, mua nước muối về rửa được một ngày thì mắt càng sưng húp, đỏ bên trong, ngủ dậy thấy nhiều ghèn, gỉ quanh mắt. Đến hôm nay thì cả tôi, bà ngoại và cháu nhỏ 15 tháng tuổi đều có biểu hiện tương tự như của cháu nên tôi đi khám và bác sĩ cho biết cả nhà tôi bị lây bệnh đau mắt đỏ”. 

Đó là hai trường hợp trong số rất đông bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt tỉnh trong thời gian gần đây. Bác sĩ Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh cho biết: “Hiện tại, bệnh đau mắt đỏ đang tăng nhanh đột ngột, những ngày đầu tháng 9-2013, trung bình một ngày Bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân đau mắt đỏ, nhưng hiện nay bệnh đang tăng rất nhanh, khoảng trên 100 bệnh nhân/ngày. Đối tượng mắc chủ yếu là học sinh, trẻ em và dần dần lây sang cho cả người lớn”.

Đau mắt đỏ là bệnh do vi-rút Andeno gây nên, bệnh xảy ra mạnh vào mùa mưa, môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi-rút, nấm mốc rất dễ sinh sôi phát triển, nếu gặp người có sức đề kháng yếu, cơ thể mệt mỏi thì sẽ dễ mắc bệnh. Biểu hiện sớm của bệnh là ngứa, cộm, đỏ mắt, chảy nước mắt, đối với trẻ em có thể bị sốt nhẹ, sưng hạch trước tai, đau họng… Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp do tia nước bọt bắn ra khi nói chuyện, cầm nắm chung một vật có nguồn bệnh như: bắt tay, dụi mắt, đồ dùng cá nhân, nguồn nước… Bệnh lây lan rất nhanh, nhất là những nơi tập trung đông người như: trường học, nhà trẻ, siêu thị, công sở… Thời gian ủ bệnh của bệnh kéo dài từ 7-10 ngày, ngay trong thời gian này vi-rút đã có thể lây truyền bệnh, do đó bệnh rất khó phòng nhất là đối với trẻ nhỏ, từ đó dễ bùng phát thành dịch.

Đau mắt đỏ là bệnh cấp tính, dễ lây nhưng thường lành tính, song nếu đã mắc mà chủ quan để lâu không điều trị thì dễ xảy ra biến chứng như: viêm giác mạc, tổn thương giác mạc, sẹo giác mạc và ảnh hưởng đến thị lực sau này. Nếu điều trị không đúng theo phác đồ của bệnh sẽ dẫn đến tổn thương sâu, loét giác mạc, lúc này chi phí điều trị rất tốn kém và cũng có thể bị hỏng mắt. Vì vậy, khi mắc bệnh cần đến cần đến ngay cơ sở y tế, bệnh viện hoặc chuyên khoa mắt để sớm điều trị dứt điểm.

Hiện nay, đau mắt đỏ chưa có vắc-xin phòng bệnh, do vậy cần phòng bệnh bằng cách: thường xuyên vệ sinh cá nhân, rửa tay, rửa mặt bằng nước sạch, không dùng chung khăn mặt, không đưa tay dụi mắt, rửa mắt bằng nước muối sinh lý hằng ngày, tránh tiếp xúc với người bệnh, những nơi ô nhiễm khói bụi. Khi ra ngoài phải đeo khẩu trang, mắt kính, hạn chế bơi lội, tắm ao hồ, sông suối… Đối với người đã mắc bệnh đau mắt đỏ, phải có ý thức phòng tránh lây nhiễm cho người khác, như: hạn chế đến những nơi đông người, nên nghỉ ở nhà đến khi nào khỏi bệnh để không lây lan cho những người xung quanh.

Mỹ Hạnh - Tuấn Anh 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.