Multimedia Đọc Báo in

“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”

10:36, 29/10/2013

Rất nhiều người thờ ơ với sức khỏe, thậm chí khi cơ thể “lên tiếng” thì vẫn cứ chủ quan. Chính tâm lý xem thường bệnh tật dẫn đến nhiều hệ lụy…

“Lắng nghe” cơ thể...

Ông Ng.T.Đ. (60 tuổi) ở TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng được chuyển vào Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Chợ rẫy khi căn bệnh ung thư đại tràng đã ở giai đoạn 2. Sợ ông không hợp tác điều trị vì nghĩ bệnh khó khỏi, nên vợ và các con quyết định không cho ông biết rõ tình trạng bệnh tật. Con gái ông 24 tuổi cho hay, hơn chục năm nay, bố chưa một lần nhập viện hay uống bất kỳ viên thuốc nào. Gia đình có hơn 1,5 ha cà phê kinh doanh đều do một tay bố chăm sóc. Hằng ngày, bố còn phụ mẹ chăn nuôi, kiếm thêm thu nhập lo cho các con ăn học. Cách đây, hơn một tháng, ông Đ. thấy đau nhói ở bụng và đại tiện ra máu, nghĩ do rối loạn tiêu hóa nên tự đi ra quầy dược gần nhà mua thuốc về uống. Sau hơn một tuần không khỏi, gia đình đưa ông vào Bệnh viện Đa khoa TP. Bảo Lộc, bác sĩ chẩn đoán có một khối u trong bụng và cho chuyển viện. Kết quả sinh thiết của Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định ông bị ung thư đại tràng và yêu cầu mổ gấp. Tương tự, ông T.Đ. P. (sinh năm 1962), ở TP. Nha Trang cũng hoàn toàn bất ngờ trước căn bệnh ung thư dạ dày mà mình mắc phải. Cứ nghĩ, hằng ngày mình vẫn luyện tập thể thao đều đặn, ăn uống tốt nên nhất định không đi khám sức khỏe định kỳ. Vì vậy, hằng năm cơ quan tổ chức cho cán bộ, nhân viên đi khám bệnh, ông đều không hưởng ứng. Cách đây vài tháng, trong một lần đi nhậu về, ông P. thấy bụng đau một cách bất thường và đã tự tìm đến các cơ sở y tế trên địa bàn khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán ông bị rối loạn tiêu hóa, sau một thời gian uống thuốc không khỏi, ông P. lại đi khám bệnh ở một cơ sở khác và được chẩn đoán là phù nề đường ruột. Hơn một tháng chữa trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP. Nha Trang không khỏi, ông P. quyết định vào TP. Hồ Chí Minh điều trị. Kết quả chẩn đoán K dạ dày khiến ông và gia đình suy sụp cả về tâm lý và thể trạng, ông buông xuôi tất cả vì nghĩ khó qua khỏi. Sau khi được bác sĩ tư vấn, ông P. không còn lo lắng, hoảng loạn, tích cực cộng tác với bác sĩ theo đúng phác đồ điều trị. Giờ đây, sau khi 1/2 dạ dày đã được cắt, cơ thể đang dần phục hồi và tinh thần thật thoải mái sẵn sàng cho việc điều trị. Hôm chia tay các bệnh nhân cùng điều trị ở Khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy về quê tịnh dưỡng, ông P. tâm sự, sự sống của người bệnh ung thư dài hay ngắn tùy thuộc vào thể trạng, phát hiện sớm, tính chất di căn, điều trị kịp thời. Giá như, đừng thờ ơ với sức khỏe, mọi chuyện không quá phức tạp như hiện nay…

Khám sức khỏe định kỳ giúp phòng ngừa  và  phát hiện bệnh sớm.
Khám sức khỏe định kỳ giúp phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm.

Đừng thờ ơ với bảo hiểm y tế

Chẳng biết từ bao giờ, người nhà và bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy trở nên thân nhau. Mọi người sẵn sàng giúp đỡ, hỏi han tình hình bệnh tật mỗi khi gặp mặt. Không chỉ hỏi thăm nhau về sức khỏe, chế độ ăn uống sau khi mổ, ngày xuất viện…, mọi người đều quan tâm đến số viện phí đóng tạm ứng. Cũng dễ hiểu bởi hầu hết bệnh nhân đều ở xa, nên tâm lý sợ thiếu tiền luôn thường trực. Được xuất viện sớm đồng nghĩa với chi phí viện phí giảm bớt. Khi nghe số tiền phải đóng, mọi người lại hỏi tiếp có bảo hiểm không! Vì vậy, nếu muốn biết những lợi ích từ việc tham gia bảo hiểm y tế thì những người đã từng nhập viện sẽ trả lời chính xác nhất. Đơn cử, cũng là bệnh đại tràng, mổ dịch vụ, nhưng có bảo hiểm đóng viện phí tạm ứng 15 triệu đồng, còn nếu không có BHYT thì số tiền phải đóng tạm ứng là 40 triệu đồng. Hầu hết những bệnh nhân không có bảo hiểm y tế đều rơi vào hộ nghèo và cận nghèo. Nhiều người trong số họ cho biết, cứ nghĩ mình khỏe mạnh không đau ốm, mua bảo hiểm làm gì cho tốn vài trăm nghìn đồng. Bệnh nhân N.T.K. ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau nói: Theo Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), dù hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ 70% mức phí BHYT, nhưng mỗi người dân vẫn phải nộp gần 200 nghìn đồng/người/ năm để mua BHYT. Như trường hợp bệnh nhân H.N.T. ở Kiên Giang làm nghề nông, bị viêm ruột thừa phải mổ cấp cứu. Cầm biên lai đóng tiền tạm ứng viện phí 15 triệu đồng, mẹ chị T. liên tục chép miệng: Vụ lúa này coi như mất trắng, lâu nay cứ nghĩ BHYT không cần thiết, ai dè...”. Hoặc có trường hợp mổ polyp đại tràng, bệnh nhân có thẻ BHYT đúng tuyến, được BHYT thanh toán 80% chi phí nhưng vẫn phải đóng viện phí 15 triệu đồng (bao gồm 5 triệu đồng mổ dịch vụ). Nếu không có BHYT, số tiền người bệnh phải bỏ ra rất nhiều. Vì vậy, không hiếm trường hợp bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo mà đành lặng lẽ rời bệnh viện khi số tiền tạm ứng viện phí quá cao…

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc