Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em

13:15, 09/10/2013
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em là một nhóm bệnh chỉ sự tổn thương cấp tính của đường hô hấp như: mũi, họng, thanh quản, khí quản, phế quản hoặc nhu mô phổi do vi khuẩn hoặc vi rút gây nên; trẻ có thể mắc nhiều lần trong năm. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm trên thế giới có khoảng 12,9 triệu trẻ em tử vong, trong đó có 4,3 triệu trẻ chết vì nhiễm khuẩn hô hấp cấp mà 95% là ở các nước đang phát triển.

Những dấu hiệu thường gặp:

Ho: Đây là dấu hiệu chính của nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Trẻ có thể ho khan từng tiếng hoặc ho có đờm, nặng hơn có thể ho thành cơn dài khiến trẻ mệt mỏi, nôn trớ khi ho.

Sốt: Có thể sốt vừa (từ 370C - 380C) hoặc sốt cao. Ngoài ra có thể chảy nước mũi, hắt hơi, ngạt mũi, thở khò khè, thở nhanh…

* Nếu diễn tiến nặng hơn:

Trẻ bỏ bú hoặc không uống được, co giật, ngủ li bì, khó đánh thức. Cần phải phát hiện sớm để đưa trẻ tới cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Phân loại bệnh nặng dựa vào 2 dấu hiệu chính: thở nhanh và co rút lồng ngực.

+ Trẻ thở nhanh khi tần số thở của trẻ dưới 2 tháng tuổi là 60 lần/ phút, trẻ từ 2 - 12 tháng: 50 lần/ phút, trẻ 12-60 tháng: 40 lần/phút.

+ Dấu hiệu co rút lồng ngực là vùng ranh giới giữa lồng ngực và bụng bị lõm sâu khi trẻ hít vào.

Nếu người mẹ không đo nhiệt độ có thể áp trán vào con thấy trẻ nóng hoặc lạnh hơn trán mình.

Xử trí khi trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính:

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu của nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, nếu thấy trẻ có một trong số những dấu hiệu bệnh nặng thì nhất thiết phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Trong trường hợp sau khi trẻ được thăm khám, có chỉ định của y, bác sĩ cho trẻ về chăm sóc tại nhà, các bà mẹ cần phải lưu ý những điều quan trọng sau:

Tuân thủ chế độ uống thuốc của bác sĩ đã hướng dẫn.

Giữ ấm cho trẻ, làm thông thoáng mũi họng cho trẻ: hút mũi, thấm mũi cho trẻ.

Nuôi dưỡng trẻ tốt: Cho trẻ ăn những thức ăn bổ dưỡng, loãng và dễ tiêu, cho trẻ uống đủ nước và ăn thêm các loại quả chín như cam, đu đủ… Nếu trẻ còn bú, nên tích cực cho trẻ bú nhiều hơn để trẻ có sức đề kháng chống lại bệnh tật và hạn chế khả năng suy dinh dưỡng sau đợt bị bệnh.

Theo dõi các dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám lại: Trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng tại nhà nếu thấy trẻ có một trong những dấu hiệu như: trẻ khó thở, thở nhanh, bú kém, mệt mỏi, hoặc có một trong những dấu hiệu bệnh nặng thì phải đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Phòng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính cho trẻ em:

Phải thường xuyên giữ ấm đường thở cho trẻ; không cho trẻ ra ngoài môi trường lạnh, mặc đủ ấm cho trẻ khi thay đổi thời tiết hay khi phải đưa trẻ ra ngoài, đặc biệt là giữ ấm vùng cổ, ngực và hai bàn chân.

Bảo đảm cho trẻ được sống trong môi trường không khí trong lành: Vệ sinh môi trường tốt, hạn chế bụi bặm, các loại khói bếp, khói thuốc lá, khói nhà máy…

Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ theo lịch tiêm chủng mở rộng dành cho trẻ em.

Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ tốt để tạo cho trẻ có sức đề kháng tốt chống lại bệnh tật, đồng thời hạn chế được nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính và các bệnh khác như còi xương, suy dinh dưỡng…

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.