Những điều cần biết về bệnh thiếu máu ở trẻ em
Thống kê tại Khoa Nhi - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Dak Lak, từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận điều trị khoảng 1000 lượt bệnh nhân thiếu máu, trong đó, phần lớn là bệnh nhân thiếu máu do di truyền và có khoảng 1% bệnh nhân thiếu máu do chế độ dinh dưỡng.
Khi trẻ đến tuổi ăn dặm, các bậc cha mẹ cần cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm chất, đặc biệt là thức ăn giàu chất sắt. |
Theo nhiều chuyên gia, bệnh thiếu máu thiếu sắt ở trẻ không biểu hiện ngay mà nó phát triển qua từng giai đoạn:
-Thiếu sắt trong chế độ ăn: Từ khi trẻ còn sơ sinh, bắt đầu tập đi và đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên, nếu không cung cấp đủ chất sắt thì trẻ có nguy cơ bị thiếu máu.
-Hấp thu chất sắt kém: Khi bị thiếu máu, cơ thể trẻ thường kém hấp thu chất sắt nhưng có thể dễ dàng hấp thu chất chì, làm tăng nguy cơ ngộ độc chì ở trẻ em. Do vậy, thiếu máu thiếu sắt và ngộ độc chì sẽ khiến trẻ dễ bị bệnh, ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập.
Ngoài ra, việc sinh non và sinh nhẹ cân cũng là nguyên nhân gây thiếu máu, thiếu sắt ở trẻ.
Khi bị thiếu máu thiếu sắt, ở trẻ có thể có các biểu hiện da xanh xao, khó tập trung, khó ngủ, chơi đùa mau mệt hơn những trẻ khác, chán ăn hoặc ăn uống kém hấp thu…
Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh – Trưởng Khoa Nhi-Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Dak Lak cho biết: “Để phòng ngừa thiếu máu, thiếu sắt, người mẹ cần bổ sung viên sắt ngay từ khi mang thai, cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và trong chế độ ăn hàng ngày của mẹ phải đảm bảo đủ dinh dưỡng cho con bú. Trẻ đến tuổi ăn dặm thì cần cho trẻ ăn đầy đủ các nhóm chất, đặc biệt là thức ăn giàu chất sắt.”
Khi phát hiện trẻ bị thiếu máu thiếu sắt, bên cạnh việc tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc, các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý: Cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm giàu chất sắt và axit folic, như: Thịt bò, thịt heo, thịt gà, trứng, cá, rau xanh, các loại trái cây giàu vitamin C …nhằm giúp cơ thể trẻ hấp thụ chất sắt tốt hơn.
Cũng theo Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh: “Thường xuyên kiểm tra khám sức khỏe định kỳ hoặc tầm soát bệnh trong thời kỳ mang thai giúp sớm phát hiện bệnh thiếu máu ở trẻ, từ đó, có những biện pháp can thiệp kịp thời. Đối với bệnh thiếu máu do di truyền, cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc, truyền máu định kỳ, bổ sung dinh dưỡng hợp lý. Với một số trường hợp thiếu máu Thalassemia ( khiến hồng huyết cầu có dạng nhỏ) sẽ được chỉ định điều trị ghép tủy, ghép máu cuống rốn, điều trị cao cấp”.
Hương Xuân - Đình Thi
Ý kiến bạn đọc