Multimedia Đọc Báo in

Để bảo đảm an toàn cho trẻ khi tiêm vắc xin Quinvaxem: "Ngành Y tế tập trung kiểm tra về an toàn tiêm chủng"

20:05, 29/11/2013

Sau gần một tháng triển khai tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem trở lại, đến thời điểm này công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh đang diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho trẻ khi tiêm vắc xin Quinvaxem, ngành Y tế vẫn tiếp tục kiểm tra thực hành tiêm chủng tại các đơn vị, trong đó tập trung chủ yếu vào các vấn đề về an toàn tiêm chủng. Bác sĩ PHẠM VĂN LÀO, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chia sẻ đôi điều với Báo Dak Lak về nội dung này.

°Bác sĩ có thể cho biết một vài kết quả trong tháng đầu tiên triển khai tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem và biện pháp phòng ngừa, xử lý những trường hợp phản ứng thuốc?

Dak Lak triển khai tiêm vắc xin Quinvaxem trở lại bắt đầu từ ngày 1-11-2013. Đến nay đã có trên 11.236 trẻ được tiêm trong tổng số 26.779 trẻ cần tiêm Quinvaxem (cả mũi 1, 2 và 3). Số trẻ có phản ứng sau tiêm là 69 trường hợp, trong đó có 68 trường hợp phản ứng nhẹ (trẻ sốt nhẹ 37,5-38oC), 1 trường hợp có phản ứng nặng (trẻ sốt cao, co giật…). Đối với trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm vắc xin nói trên được thực hiện đúng quy trình, bảo đảm an toàn về tiêm chủng. Sau khi trẻ về nhà được 3 tiếng thì xuất hiện các triệu chứng phản ứng nặng và được gia đình báo ngay cho cán bộ tiêm chủng của trạm y tế. Do gia đình trẻ ở gần bệnh viện huyện nên khi nhận được tin báo, cán bộ tiêm chủng đã đưa trẻ đến thẳng bệnh viện để được xử lý cấp cứu. Sau 3 tiếng đồng hồ, trẻ đã hết các triệu chứng trên và trở lại bình thường. Hiện nay, sức khỏe của cháu rất tốt, không có vấn đề gì nữa.

Tiêm vắc xin Quinvaxem cho trẻ tại Trạm Y tế phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột.
Tiêm vắc xin Quinvaxem cho trẻ tại Trạm Y tế phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột.

Thực tế, trước khi triển khai tiêm vắc xin Quinvaxem chúng tôi đã tính toán đến khả năng có thể xảy ra phản ứng nặng, bởi trong y văn đã ghi nhận tỷ lệ phản ứng nặng xảy ra và cũng đã có phác đồ xử lý cụ thể. Có thể nói, công tác chuẩn bị của chúng ta khá tốt, đặc biệt là sự phối hợp giữa trung tâm y tế và bệnh viện của các huyện trong việc xử lý cấp cứu trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin rất chặt chẽ. Các bệnh viện đều thành lập tổ cấp cứu thường trực, còn tại các trạm y tế cán bộ y tế cũng được tập huấn sơ cấp cứu. Khi có trường hợp phản ứng xảy ra, trẻ sẽ được sơ cấp cứu ngay tại trạm y tế, sau đó nếu là địa bàn gần thì trẻ được chuyển lên bệnh viện huyện để tiếp tục xử lý, theo dõi, còn nếu ở xa thì tổ cấp cứu của bệnh viện sẽ đến tận trạm để phối hợp xử lý.

°Công tác kiểm tra về an toàn tiêm chủng trên địa bàn được triển khai như thế nào?

Thời gian vừa qua, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra thực hành tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn và đến nay, hoạt động này vẫn được duy trì. Tuy nhiên, trong thời gian tới công tác kiểm tra sẽ tập trung chủ yếu vào an toàn tiêm chủng, gồm: kiểm tra khám sàng lọc và tư vấn của cán bộ y tế xem làm có đúng quy trình không, đưa ra các chỉ định có đúng không; việc bảo quản vắc xin từ trung tâm y tế dự phòng tỉnh đến nơi sử dụng đã đúng quy trình chưa; kỹ thuật tiêm, phòng thực hiện tiêm có đảm bảo không…. Hiện chúng tôi đã xây dựng một quy trình kiểm tra rất chu đáo đối với từng đơn vị. Trong đó, tuyến huyện sẽ kiểm tra tất cả tuyến xã, còn tuyến tỉnh sẽ đi kiểm tra từ 20-40% số điểm tiêm chủng và sẽ đưa ra kết luận, đánh giá, rút kinh nghiệm sau đợt tiêm chủng này để triển khai tiếp.

Hiện nay, các vấn đề về tiêm chủng được báo cáo từng ngày từ số lượng cho đến các phản ứng trong ngày tiêm. Tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thành lập một tổ phân tích và báo cáo về công tác tiêm chủng, hằng ngày chúng tôi đánh giá dựa trên cơ sở báo cáo của các đơn vị chuyển về, cuối buổi chiều sẽ hội ý với nhau để thống nhất phương án triển khai. Ví dụ như ngay khi có vụ việc một trẻ tử vong nghi do liên quan đến tiêm vắc xin Quinvaxem xảy ra ở tỉnh Bạc Liêu, chúng tôi đã họp bàn và liên hệ với Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cập nhật thông tin về số lô vắc xin tiêm tại đó để nhanh chóng xử lý các vấn đề ở địa phương mình.

°Vậy, bác sĩ đánh giá như thế nào về công tác tiêm chủng ở tỉnh ta sau gần một tháng triển khai tiêm vắc xin Quinvaxem?

Trước hết, về thuận lợi, Ngành nhận được sự ủng hộ của người dân, mặc dù có lo lắng chút ít và đánh giá tiêm chủng là phương pháp tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ. Thuận lợi thứ hai là chúng ta chỉ có một trường hợp phản ứng nặng nhưng đã xử lý kịp thời, ổn thỏa. Thứ ba, các vấn đề về an toàn tiêm chủng được tăng cường, nhiều cơ sở đã nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp, có thể nói đấy là bước chuyển biến tích cực. Một điều nữa là trình độ của cán bộ y tế đã được nâng lên, anh em rất cẩn thận trong quá trình làm việc và chất lượng, hiệu quả đem lại tương đối tốt. Tuy nhiên, quá trình triển khai tiêm chủng cũng còn một số khó khăn: cơ sở hạ tầng ở nhiều đơn vị còn chật hẹp; một số cán bộ y tế phải tập huấn gấp nên kiến thức chưa thật sâu, do đó trong quá trình tư vấn cho bà mẹ chưa kỹ hoặc còn thiếu. Về phía nhân dân vẫn còn tâm lý chủ quan, bởi trên thực tế, nhiều bà mẹ không trực tiếp đưa trẻ đi tiêm mà để anh chị, ông bà đưa đi nên công tác tư vấn của cán bộ y tế gặp nhiều khó khăn. Nói như vậy, nhưng trước khi triển khai tiêm chúng tôi đã nhận định được tình hình nên đã tập trung giải quyết khâu yếu, việc khó. Chẳng hạn như, những đơn vị nào còn yếu về chuyên môn thì chúng tôi tiếp tục tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn để nâng cao trình độ cho anh em. Đối với những địa bàn còn khó khăn về đường sá thì kéo dài số ngày tiêm chủng để bà con được thuận lợi, những nơi đông đối tượng tiêm chủng thì có sự sắp xếp hợp lý hơn để mỗi buổi tiêm chỉ tiêm cho 50 trường hợp theo đúng quy định... Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân ủng hộ góp phần cho chương trình tiêm chủng đạt được thành công.

°Xin cảm ơn bác sĩ!

Kim Oanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc