Multimedia Đọc Báo in

Biện pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường

09:46, 20/03/2014
Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) là một bệnh mạn tính không lây. Bệnh xuất hiện khi cơ thể không sản xuất đủ insulin (hoóc môn tuyến tụy) hoặc insulin hoạt động không hiệu quả. Bình thường thức ăn vào cơ thể sẽ được chuyển thành đường glucose; insulin có tác dụng giúp vận chuyển đường glucose từ máu vào các tế bào để tạo năng lượng. Trong bệnh tiểu đường glucose không được đưa vào các tế bào mà vẫn tồn tại trong máu làm cho nồng độ đường máu cao.

Bệnh tiểu đường có ba triệu chứng đặc trưng là: ăn nhiều, uống nhiều; tiểu nhiều; ngoài ra còn một số triệu chứng khác như: giảm cân, giảm thị lực, ngứa, mệt mỏi… Bệnh nhân không phải lúc nào cũng có đầy đủ các triệu chứng trên, đôi khi chỉ một hay hai triệu chứng. Bệnh tiểu đường là bệnh nguy hiểm đe dọa đến tính mạng và gây ra nhiều biến chứng như bệnh mạch vành, mạch máu não, suy thận, tổn thương mắt.

Có hai dạng tiểu đường: Loại phụ thuộc insulin còn gọi là tiểu đường tuýp 1, bệnh nhân thường gầy, giảm cân nhanh, cần có insulin để điều trị hằng ngày. Loại không phụ thuộc vào insulin gọi là tiểu đường tuýp 2, thường xảy ra đối với người béo phì. Tiểu đường tuýp 2, chiếm từ 85%-95% trường hợp, có tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới. Bệnh thường xuất hiện ở những người khoảng 45 tuổi trở lên, tuổi càng cao tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 càng lớn. Các triệu chứng dễ nhận thấy của bệnh tiểu đường như chứng ăn khỏe, tiểu nhiều, khát nước, uống nhiều, sút cân… ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 thường không rõ ràng, có thể bệnh nhân đã bị bệnh từ 5-10 năm trước mà vẫn chưa được phát hiện. Bệnh tiểu đường tuýp 2 có xu hướng xuất hiện ở những nhóm người đang độ tuổi lao động, gây tốn kém về chi phí điều trị, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Để giảm nguy cơ bị tiểu đường cần thực hiện phối hợp những biện pháp sau:

* Chế độ dinh dưỡng

Chế độ ăn giữ vai trò quan trọng vì thức ăn là nguồn cung cấp lượng đường cần thiết cho cơ thể hằng ngày. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp kiểm soát được trọng lượng cơ thể. Chế độ ăn hằng ngày được xây dựng sao cho cung cấp đủ năng lượng để bảo đảm lao động và phục hồi sức khỏe.

Hạn chế ăn chất bột đường mà hãy sử dụng chất bột đường phức hợp như các loại ngũ cốc nguyên cám (các loại gạo, đậu đỗ nguyên hạt) để hạn chế gây tăng đường huyết nhanh sau khi ăn, hấp thụ chất xơ và vitamin có lợi cho sức khỏe.

Hãy uống nước lọc thay vì các loại nước uống có đường khác. Ăn nhiều rau củ, trái cây nhưng đừng chọn những loại có hàm lượng đường cao như nhãn, sầu riêng…

* Hoạt động thể lực

Tập thể dục thường xuyên nhằm tăng cường sức khỏe, phòng tránh bệnh tật. Bất cứ hoạt động thể chất nào cũng tốt, có thể đi bộ, đạp xe... Đi bộ là sự lựa chọn tuyệt vời, tiện lợi và là cách tốt nhất để bắt đầu một chương trình luyện tập, nhất là đối với những người không thích hoạt động. Mỗi tuần cần luyện tập đều đặn mỗi ngày, mỗi lần 30 phút.

Hồng vân


Ý kiến bạn đọc