Phòng ngừa có thai ngoài tử cung
Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Quang Hùng, Trưởng Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cho biết, nguyên nhân gây có thai ngoài tử cung rất phức tạp như: do vòi trứng bị viêm nhiễm (chiếm đến 62%) hoặc do khi mang thai người mẹ tiếp xúc với môi trường không tốt làm cho phôi thai phát triển bất thường; tử cung có u nang, u xơ, tử cung bị teo dính cũng là một trong những nguyên nhân làm có thai ngoài tử cung.
Biểu hiện khi có thai ngoài tử cung: Sản phụ bị rối loạn kinh nguyệt như trễ kinh, rong kinh. Có biểu hiện đau bụng âm ỉ ở một bên vùng bụng dưới rốn. Xuất huyết âm đạo. Nhiều khi xuất huyết âm đạo có trong giai đoạn gần đến chu kỳ kinh nguyệt làm cho sản phụ dễ nhầm lẫn bị kinh nguyệt hoặc bị rong kinh.
Những vị trí thường gặp khi có thai ngoài tử cung: Trứng thụ tinh nằm ở vòi trứng chiếm hơn 90% vị trí có thai ngoài tử cung. Ngoài ra, thai nhi có thể nằm tại buồng trứng hoặc trong ổ bụng của người mẹ. Tùy vị trí làm tổ của trứng, tùy theo thời gian người mẹ phát hiện những bất thường mà có thể thấy các biểu hiện như khối u ở vòi trứng bị vỡ đột ngột, gây chảy máu dữ dội trong ổ bụng. Trường hợp này thai phụ cần được phẫu thuật ngay để cắt bỏ vòi trứng có chứa bào thai để cầm máu, đồng thời cần được truyền bù máu; nếu không được cấp cứu kịp thời, thai phụ có thể tử vong do mất máu cấp. Nếu thai bị chết lưu ở nơi làm tổ lạc chỗ do được nuôi dưỡng kém thì thai phụ thường có biểu hiện như ra máu kéo dài, đau bụng âm ỉ, không có dấu hiệu có thai. Trường hợp này thai phụ cần phải mổ để lấy thai, lấy hết các khối máu tụ bao quanh thai. Nếu thai còn sống thì càng cần phải mổ sớm vì nguy cơ vỡ khối chửa dẫn đến chảy máu ồ ạt. Có thai ngoài tử cung nếu được phát hiện sớm có thể mổ bằng phương pháp nội soi.
Theo bác sĩ Hùng, để tránh nguyên nhân có thai ngoài tử cung, các cặp vợ chồng cần chung thủy một vợ một chồng nhằm hạn chế bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục do các bệnh lây qua đường tình dục; vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ, nhất là trong những ngày có kinh nguyệt, làm việc nhẹ nhàng. Khi bị viêm nhiễm cần được điều trị dứt điểm, tránh những biến chứng do viêm nhiễm gây tắc vòi trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Khi có thai, thai phụ cần giữ tâm lý thoải mái, tránh tiếp xúc với những hóa chất độc hại, lựa chọn thực phẩm phù hợp cho bà bầu. Đặc biệt, cần khám sức khỏe trước khi mang thai nhằm chữa dứt điểm các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng như các vấn đề liên quan đến vòi trứng. Khi đã có quan hệ tình dục, thấy chậm kinh cần phải đi khám thai càng sớm càng tốt. Người đã có thai ngoài tử cung một lần có thể có thai ngoài tử cung lần thứ hai ở vòi trứng còn lại và thậm chí có thể có thai ngoài tử cung lần thứ ba ở mỏm vòi trứng đã bị cắt cụt trong lần mổ trước.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc