Bệnh tiết niệu khi mang thai
Nguyên nhân gây bệnh tiết niệu:
Khi mang thai do khối lượng tử cung lớn dần gây chèn ép vào niệu quản hoặc do sự trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên niệu quản gây ra sự ứ đọng nước tiểu. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Các vi khuẩn từ vùng hậu môn, âm đạo xâm nhập qua bàng quang, niệu đạo gây nhiễm khuẩn khu cư trú ở đấy gọi là nhiễm khuẩn niệu đạo. Vi khuẩn di chuyển đến bàng quang gây viêm bàng quang. Những bệnh tiết niệu thường gặp ở phụ nữ mang thai:
Nhiễm khuẩn thường: Thường không có triệu chứng lâm sàng, chỉ khi làm xét nghiệm nước tiểu mới phát hiện được. Bệnh này có thể gây biến chứng viêm thận – bể thận cấp khá cao nếu không được điều trị kịp thời.
Nhiễm khuẩn tiết niệu thấp (viêm bàng quang cấp): Với các biểu hiện như đi tiểu rắt, tiểu buốt, nước tiểu sẫm màu, cảm giác nóng bỏng và rát khi tiểu tiện.
Viêm thận cấp – bể thận cấp: Thường gặp ở phụ nữ đã từng bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu nhưng không thể hiện triệu chứng.
Biểu hiện của bệnh là bệnh nhân có sốt cao, rét run, đau vùng thắt lưng, buồn nôn, có khi choáng váng, rối loạn chức năng thận dẫn đến suy thận cấp và nhiều thay đổi bệnh lý ở máu, người bệnh phù toàn thân rất nhanh, có thể hôn mê. Đối với thai nhi có thể bị sinh non và nhẹ cân so với tuổi thai.
Viêm cầu thận cấp: Hiếm gặp khi mang thai nhưng nếu mắc có thể gây tử vong cho bà mẹ và thai nhi.
Biểu hiện của bệnh là bệnh nhân bị phù toàn thân, phù trắng ấn lõm, tăng cân nhanh (có thể tăng 2kg/tuần), tăng huyết áp, đi tiểu ít, nhức đầu có khi mờ mắt. Thai phụ cần được theo dõi tại cơ sở y tế để kiểm soát huyết áp, phòng suy tim.
Suy thận cấp: Tuy hiếm gặp nhưng tỷ lệ tử vong cao. Bệnh biểu hiện với các triệu chứng như phù, đi tiểu ít, xét nghiệm có urê máu… Bị suy thận cấp khi mang thai có thể gây sảy thai, đẻ con nhẹ cân, non tháng và thai chết lưu. Nguyên nhân gây suy thận cấp có thể do thận thiếu máu nuôi dưỡng trong trường hợp người mẹ bị băng huyết, mất nước, rau bong non.
Để phòng bệnh lý tiết niệu khi mang thai:
Những phụ nữ mang thai, nhất là đối với những người có tiền sử viêm tiết niệu, sinh đẻ nhiều lần cần chú ý:
-Khám thai định kỳ bao gồm thử nước tiểu, đo huyết áp, cân thai phụ, siêu âm thai, nghe tim thai.
-Khám bất kỳ lúc nào khi thấy bất thường, nhất là khi đi tiểu ít, tiểu buốt, tiểu rắt, người mệt mỏi, hoa mắt, đau đầu.
-Vệ sinh bộ phận sinh dục hằng ngày.
-Thai phụ nên uống đủ nước và không nên nhịn tiểu.
-Ăn nhạt nếu thấy bị phù hoặc bị tăng huyết áp.
-Khi phát hiện bị bệnh cần đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc