Multimedia Đọc Báo in

Cần chú ý phòng tránh, không thể chủ quan với bệnh tay chân miệng

14:25, 17/05/2014

Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế, từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước đã ghi nhận 18.659 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 62/63 địa phương, trong đó đã có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu. Do tính chất lây truyền và hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, Bộ Y tế dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Bệnh tay chân miệng gây ra do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột, gồm có Coxsackie, Echo và các vi rút đường ruột khác, trong đó hay gặp là vi rút đường ruột týp 71 (EV71) và coxsackie A16. Vi rút EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong. Vi rút gây bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên của bệnh, nhưng thời gian gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần (do vi rút vẫn tồn tại trong phân).

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch là cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả nhất.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch là cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả nhất.

Các chuyên gia y tế dự phòng nhận định, hiện dịch bệnh tay chân miệng đang bắt đầu vào mùa, nhất là các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Mức độ nguy hiểm của bệnh tay chân miệng sẽ không kém dịch sởi nếu chúng ta chủ quan, không có các biện pháp chủ động phòng, chống. Vì vậy, một trong những biện pháp quan trọng để phòng chống bệnh tay chân miệng hiệu quả là phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ nhỏ). Bên cạnh đó, thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải bảo đảm được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống… Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà... Người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Đặc biệt, trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Cũng theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng. Bệnh nhân nên uống nhiều nước và có thể được điều trị triệu chứng để giảm sốt và giảm đau từ vết loét, phòng biến chứng.

K.O (nguồn SK&ĐS)
 


Ý kiến bạn đọc