Multimedia Đọc Báo in

Ngành Y tế thực hiện nhiều cải cách hướng tới làm hài lòng người bệnh

14:25, 05/05/2014

Nâng cao y đức, giảm bớt thủ tục phiền hà tại các cơ sở khám chữa bệnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính... là những việc làm đã và đang được triển khai trong ngành Y tế tỉnh nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ (Sở Y tế), thời gian qua, ngành Y tế tỉnh rất quan tâm đến việc cải cách thủ tục hành chính để tăng hiệu quả, chất lượng quy trình khám chữa bệnh đem đến sự hài lòng cho nhân dân mỗi khi đến các cơ sở khám chữa bệnh của ngành. Cụ thể, Sở đã triển khai cho các đơn vị thực hiện quy trình cải cách trong tiếp đón, khám chữa bệnh; điều phối nhân lực bố trí thêm các bàn khám trong giờ cao điểm hòng giảm bớt thời gian chờ đợi của người bệnh và giảm áp lực, căng thẳng, mệt mỏi đối với y, bác sĩ khi làm nhiệm vụ. Tuy mỗi đơn vị có một cách làm khác nhau tùy theo tình hình thực tế, song tất cả đều hướng đến việc tạo nên môi trường làm việc khoa học, tránh tình trạng người bệnh phải chen lấn xô đẩy để đăng ký khám bệnh tại các cơ sở. Hiệu quả của việc cắt giảm những thủ tục hành chính tại cơ sở y tế có thể thấy rõ nhất tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nơi thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải bệnh nhân khám và điều trị khi mới đây Khoa Khám bệnh của Bệnh viện đã triển khai hệ thống tự động gọi tên bệnh nhân thay cho cách làm thủ công trước đó. Với lập trình tự động xếp số và gọi số theo thứ tự, người bệnh đến khám chỉ cần in số tự động và ra ghế ngồi chờ bảng số điện tử thông báo đến số của ai thì người đó lên làm thủ tục khám bệnh. Bên cạnh đó, Bệnh viện còn sử dụng hệ thống phần mềm quản lý tại tất cả các khoa phòng giúp y, bác sĩ nắm rõ thông tin của bệnh nhân thông qua các thông tin cần thiết được lưu trên hệ thống để tập trung khám bệnh đưa ra phương pháp điều trị và kê toa thuốc phù hợp;  việc kê toa thuốc cho người bệnh cũng được làm trên máy tính thay cho viết tay, vừa tránh được tâm lý đọc nhầm “chữ bác sĩ” ở người bệnh, vừa rút ngắn thời gian chờ đợi. 

Thái độ ân cần của các y bác sĩ đã khiến nhiều người bệnh hài lòng khi đến điều trị tại cơ sở y tế.
Thái độ ân cần của các y bác sĩ đã khiến nhiều người bệnh hài lòng khi đến điều trị tại cơ sở y tế.
Song song với nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong quy trình khám chữa bệnh, Sở Y tế đã có nhiều giải pháp để thay đổi nhận thức, hành vi, đổi mới tác phong làm việc, nâng cao y đức cho cán bộ y tế thông qua việc phát động nhiều phong trào học tập và làm theo Bác gắn với làm tốt công tác chuyên môn xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”. Nhờ vậy, đã tạo được sức lan tỏa trong toàn ngành và tăng thêm sự hài lòng của người bệnh đối với cơ sở khám chữa bệnh. Điều này có thể thấy rõ tại các cơ sở y tế, điển hình như Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ. Với phương châm “Muốn đổi mới bệnh viện phải nâng cao ý thức, thái độ phục vụ đối với bệnh nhân”, thời gian qua, Bệnh viện liên tục phát động các phong trào thi đua hướng hành động của cán bộ, y, bác sĩ vào việc chăm sóc, phục vụ người bệnh tận tình, chu đáo, lấy hiệu quả công tác khám chữa bệnh làm khâu then chốt. Vì thế, khi đến khám chữa bệnh tại đây, người bệnh luôn được tiếp đón, hướng dẫn ân cần, các khâu hồ sơ thủ tục đều nhanh gọn nên rất nhiều người bệnh cảm thấy hài lòng. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, Bệnh viện chưa nhận được bất kỳ ý kiến phản ánh nào của người bệnh về thái độ phục vụ của y, bác sĩ. Hay như tại Bệnh viện Đa khoa huyện M’Drak, việc nâng cao y đức trong cán bộ, y bác sĩ được thể hiện qua việc xây dựng hòm thư góp ý đặt tại các khoa, phòng để kịp thời ghi nhận những ý kiến phản ánh của bệnh nhân và người nhà về ý thức, thái độ và tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ y, bác sĩ để chấn chỉnh kịp thời, qua đó đã góp phần bồi đắp niềm tin và sự hài lòng của nhân dân khi đến khám, chữa bệnh.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.