7 sai lầm trong ăn uống tác động xấu đến sức khỏe con người
Ăn uống không chỉ là thú vui mà nhờ nó con người có thêm năng lượng để tồn tại. Tuy nhiên không phải ai cũng có quan niệm đúng trong việc ăn uống. Dưới đây là một số quan niệm sai lầm thường gặp liên quan đến ăn uống tác động xấu đến sức khỏe con người.
1. Tin rằng có một cách ăn uống tốt nhất cho mọi người
Thực phẩm nguyên chất, ăn chay và cả những thực đơn được công bố trên Internet được nhiều người tin rằng đây là cách ăn uống tốt nhất, lành mạnh nhất cho tất cả mọi người. Tuy nhiên điều này chưa thật chính xác. Bởi đối với mỗi người, mỗi giai đoạn cần đến thực đơn riêng và dựa vào đồng hồ sinh học cơ thể. Nếu dùng đúng chủng loại thực phẩm, cơ thể sẽ khỏe mạnh và ít mắc bệnh hơn.
2. Mỡ là thủ phạm gây béo phì
Giả thiết này có nguồn gốc từ những năm 80 thế kỷ trước, nhưng gần đây khi con người giảm ăn mỡ, hoặc loại bỏ mỡ ra khỏi thực đơn thì tỷ lệ béo phì vẫn tăng vọt. Sự thật, khi loại bỏ mỡ người ta lại thay ngay bằng những món ăn không tốt hơn so với mỡ, thậm chí còn chứa những hóa chất gây phát phì, nhất là đường. Chưa hết, chính bản thân con người rất cần đến mỡ cùng với carbohydrate tốt (chất bột) và protein sạch để duy trì sức khỏe và các chức năng của cơ thể. Vì vậy, việc dùng thêm ít mỡ, nhất là mỡ tốt còn giúp giảm cân.
3. Không hiểu tường tận về đường
Gần đây, để thỏa mãn thị hiếu ăn uống của con người, các hãng chế biến thức ăn đã cho nhiều đường vào trong thực phẩm. Một số thực phẩm như bánh sandwich, sữa ít chất béo, bánh quy giòn, nước sốt cà chua... được quảng cáo là ít đường nhưng thực tế lại chứa rất nhiều chất ngọt. Để trở thành người tiêu dùng thông thái, mọi người cần đọc kỹ nhãn mác, tránh ăn thực phẩm có chứa nhiều đường và nên nhớ, mỡ không làm cho người ta béo mà chính đường mới là thủ phạm.
4. Xem tất cả các loại calo giống nhau
Phần lớn người tiêu dùng đều có quan niệm này, nhưng theo các nghiên cứu khoa học thì không phải vậy. Ví dụ, 100 calo từ các loại bánh có hàm lượng mỡ thấp, cơ thể thu nạp vào khác với 100 calo từ cà chua và ớt nghiền (dùng làm món ăn xa lát). Các loại calo từ bánh gây nguy hại cho cơ thể, còn calo từ cà chua và ớt lại có tác dụng tích cực. Chất ngọt có trong calo là chất gây nghiện giống như nicotin có trong thuốc lá và lâu ngày làm cho người sử dụng thường xuyên lệ thuộc đồ ngọt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần lẫn thể chất mặc dù số lượng calo giống nhau.
5. Giáo điều trong ăn uống
Rất nhiều người mắc phải lỗi này, đôi khi lại áp dụng những cách ăn uống máy móc, dập khuôn cho rằng tất cả đều có một cách ăn uống chung, hoặc thậm chí có người chỉ nói suông nhưng thực tế lại ăn uống lại rất tùy tiện, nói hay nhưng áp dụng không giống như những điều họ đã nói.
6. Sử dụng nhóm thực phẩm không có gluten và dùng junk-food tốt
Nhiều người có thói quen dùng nhóm thực phẩm không có gluten và junk-food tốt (nhóm thực phẩm chứa calo rỗng), hoặc thực phẩm hữu cơ, nguyên chất nhưng thực tế lại không bảo đảm tiêu chí này. Ví dụ, tìm chọn thực phẩm hữu cơ, thực phẩm sạch không có chứa gluten nhưng chất lượng lại không đảm bảo. Thậm chí họ còn tìm đến thực phẩm ăn nhanh, thực phẩm junk food với quan niệm: đây là đồ ăn đã được nhiều người dùng, vô hại, tiết kiệm thời gian và nhiều lợi ích khác, nhưng kỳ thực nếu nghiện nhóm thực phẩm này và dùng lâu dài sẽ gây bất lợi cho cơ thể.
7. Đoạn tuyệt với nhóm thực phẩm ưa thích
Rất nhiều người muốn ăn uống kiêng nên đã "cấm vận" triệt để bản thân, kể cả những món ăn khoái khẩu. Thực hiện điều này người ta tự tước đi quyền lợi bản thân và để lại những hậu quả “no dồn, đói góp”. Theo các chuyên gia ẩm thực, nên khắc phục sai lầm này bằng cách ăn ít và thay bằng những loại thực phẩm lành mạnh khác. Ví dụ, thay vì ăn kem có thể ăn chuối bảo quản trong tủ lạnh, hoặc các loại trái cây tương tự. Thói quen ăn uống không thể từ bỏ một sớm một chiều, vì vậy nên chọn nhóm thực phẩm thay thế có lợi hơn, nhất là để dùng trong thời gian lâu dài.
Duy Hùng
(Theo HP-5/2014)
Ý kiến bạn đọc