Lưu ý khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài
Tại khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), từ cuối tháng 5 đến nay trung bình mỗi ngày tiếp nhận điều trị khoảng 10 bệnh nhân tiêu chảy, ngày cao điểm có thể lên tới 15 trường hợp. Nguyên nhân mắc bệnh chủ yếu là do lây nhiễm từ bệnh nhân bị tiêu chảy, do trẻ thiếu sức đề kháng và không được nuôi bằng sữa mẹ, chế độ dinh dưỡng hàng ngày chưa cân đối các nhóm chất như: đường, bột, đạm, khoáng chất hoặc do ăn phải thực phẩm ôi thiu không an toàn… Như trường hợp cháu Ngô Thanh Hà, ở thôn 4, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) bị tiêu chảy sau khi đi học về. Bố mẹ thay nhau ở nhà chăm sóc cháu suốt 2 ngày nhưng không thấy đỡ nên mới đưa vào bệnh viện. Do quá trình chăm sóc ở nhà không đúng cách lại ăn uống kiêng khem quá mức nên cháu bị thiếu dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, gây loạn khuẩn trong đường ruột, dẫn đến tiêu chảy cấp…
Bệnh nhân tiêu chảy điều trị tại Khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viên Đa khoa tỉnh). Ảnh: Đình Thi |
Nhiều bậc cha mẹ có quan niệm cho trẻ ăn uống kiêng khem trong thời gian bị tiêu chảy, nhưng thực tế việc kiêng khem không những khiến tình trạng bệnh của trẻ thêm trầm trọng mà còn gây ra những hậu quả đáng tiếc do mất nước, suy dinh dưỡng…
Theo hướng dẫn của các thầy thuốc, trong việc xây dựng chế độ ăn uống khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài, các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần giảm tạm thời số lượng sữa động vật, giảm đường trong chế độ ăn; cung cấp đầy đủ năng lượng, đạm trong thịt, cá, vitamin và các yếu tố vi lượng để tái tạo và phục hồi niêm mạc ruột bị tổn thương, cải thiện tình trạng dinh dưỡng toàn thân; cho trẻ ăn các loại thức ăn chế biến dưới dạng mềm, lỏng dễ tiêu hoá như bột, cháo, súp và chọn các loại thực phẩm giàu chất đạm: thịt, cá, trứng, sữa... Ngoài ra, cần cho trẻ uống và ăn thêm trái cây tươi để cung cấp các vitamin và muối khoáng. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi: Cần tiếp tục cho trẻ bú mẹ, bú nhiều lần, chế độ ăn của người mẹ không kiêng khem. Nếu mẹ có ít sữa thì nên bổ sung thêm cho trẻ các loại sữa không có đường hoặc các loại sữa đã lên men: sữa chua hoặc dùng sữa đậu tương (đậu nành). Lưu ý, sữa chua phải được làm từ loại sữa dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Việc áp dụng chế độ ăn khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài nên thực hiện đến khi trẻ hết tiêu chảy một tuần mới chuyển sang chế độ ăn bình thường theo lứa tuổi.
Thạc sĩ - Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khuyến cáo: “Tiêu chảy kéo dài có thể dẫn đến hậu quả mất nước, suy dinh dưỡng và nhiễm trùng mãn nếu trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, từ đó gây ra nhiễm khuẩn các cơ quan khác hoặc đi cầu ra máu, dị ứng nhiều cơ quan khác do dị ứng… Vì vậy, cần thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn; bắt đầu cho trẻ ăn dặm từ tháng thứ 7 với chế độ ăn đảm bảo đủ các nhóm chất phù hợp với lứa tuổi, và ăn từ lỏng đến đặc; đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ; đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, ăn chín uống sôi… là những biện pháp tốt nhất để chủ động phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ”.
Hương Xuân
Ý kiến bạn đọc