Những điều cần biết khi nuôi trẻ không có sữa mẹ
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ nhỏ, nhưng trong thực tế không phải trẻ em nào sinh ra cũng có may mắn được bú sữa mẹ hoàn toàn. Một số trường hợp người mẹ vì lý do gì đó mà bị mất sữa ngay từ khi sinh con, hoặc một số bà mẹ bị bệnh nặng như suy tim, tâm thần… không cho con bú sữa được; cũng có trường hợp do trẻ bị bệnh mà không thể bú mẹ.
Để bảo đảm sức khỏe cho trẻ khi không có sữa mẹ, việc nuôi trẻ tốt nhất là dùng sữa công thức thay thế sữa mẹ. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại sữa dành cho trẻ từ sơ sinh đến người lớn như sữa Vinamilk, Cô gái Hà Lan, TH true milk… rất đa dạng, phù hợp và thuận tiện. Tuy nhiên, dùng loại sữa nào, pha chế ra sao cho phù hợp với trẻ là điều cần quan tâm.
-Về loại sữa: Cần lựa chọn sữa phù hợp với lứa tuổi của trẻ vì mỗi một lứa tuổi có từng loại sữa khác nhau.
Với trẻ từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi: nên chọn những loại sữa bột được giới thiệu là dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Trên hộp sữa có thể có tên sữa và được điền số 1 hoặc dòng chữ sữa dành cho trẻ nhỏ.
Với trẻ trên 6 tháng tuổi: Chọn các loại sữa bột dành cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Trên hộp sữa sẽ có tên sữa và điền số 2 hoặc điền dòng chữ sữa dành cho trẻ lớn.
Với trẻ trên 1 tuổi có thể chọn các loại sữa nguyên kem, có bổ sung vitamin.
-Về số lượng sữa:
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi: trẻ chỉ uống sữa mà chưa ăn dặm nên số lượng sữa trung bình một ngày cho mỗi trẻ là 150ml sữa/kg cân nặng. Ví dụ trẻ 4kg thì một ngày trẻ cần 150ml x 4 = 600ml sữa. Nếu trẻ bú một ngày 8 lần thì 1 lần bú là: 600ml: 8 = 75ml. Cần theo dõi sự tăng cân của trẻ hằng tháng để điều chỉnh số lượng sữa tăng hay giảm cho phù hợp với sự phát triển của trẻ.
Đối với trẻ hơn 6 tháng tuổi, ngoài việc cho bú sữa còn cho trẻ ăn dặm do đó số lượng sữa sẽ giảm đi tương ứng với lượng thức ăn dặm mà trẻ ăn vào.
-Về cách pha sữa: Tốt nhất là dùng nước sôi để nguội khoảng 40 – 500C, tức là nước chỉ vừa ấm, không bị bỏng rát khi nhỏ vào tay là được. Không nên dùng nước sôi pha sữa vì sẽ làm mất hết vitamin C có trong sữa và khó hòa tan sữa hơn. Cũng không nên dùng nước rau, nước cháo để pha sữa vì sữa đã được chế tạo gần giống sữa mẹ với các chất dinh dưỡng ở tỉ lệ cân đối, phù hợp với chức năng đường tiêu hóa và hệ tiết niệu của trẻ. Nếu cho thêm các loại khoáng vào sẽ làm mất tác dụng này và có thể làm tăng gánh nặng cho thận, đường tiêu hóa, có thể gây táo bón, ỉa chảy, hay nôn mửa, béo phì hoặc suy dinh dưỡng.
Tỷ lệ giữa nước và sữa: Hầu hết trong các hộp đựng sữa đều có chứa một chiếc thìa (muỗng) để hướng dẫn cách đong sữa vì thế cần đọc kỹ hướng dẫn để đong cho chính xác lượng sữa và tỷ lệ nước cần dùng để pha sữa. Khi pha sữa nên đổ nước vào bình trước sau đó mới đong sữa đổ vào và lắc đều. Đong sữa nên đong một muỗng gạt ngang miệng, không nên đong đầy thìa hoặc vơi quá. Chẳng hạn nếu trẻ bú một lần khoảng 900ml sữa thì cần đổ vào bình 800ml nước sau đó đong (3 thìa sữa nhỏ: 900ml) sữa đổ vào bình là chúng ta đã có 900 ml sữa đúng tiêu chuẩn cho trẻ bú.
Nếu sữa không có thìa đong lượng sữa, có thể sử dụng muỗng lường của hộp sữa khác để đong hoặc có thể thực hiện bằng cách đong 1 thể tích sữa, 4 thể tích nước.
-Cách cho trẻ uống sữa: Tổng lượng sữa cho trẻ uống một ngày đêm nên chia đều ra sao cho khoảng 3 giờ trẻ được uống sữa một lần. Trước khi pha sữa cho trẻ cần vệ sinh dụng cụ pha sữa sạch sẽ. Tổ chức Y tế khuyến cáo nên cho trẻ uống sữa bằng ly hay dùng thìa đút cho trẻ vì các dụng cụ này dễ rửa.
-Để vệ sinh dụng pha sữa cho trẻ phải rửa bằng nước rửa chén, tráng lại bằng nước nóng sau mỗi lần cho trẻ uống sữa. Không rửa bằng nước rửa chén mà chỉ tráng bằng nước nóng sẽ không sạch sẽ vì trong sữa có rất nhiều chất béo, cặn mỡ còn bám lại trong dụng cụ pha sữa, sau vài lần như vậy vi khuẩn sẽ phát triển có thể làm cho trẻ bị mắc bệnh tiêu chảy.
Cần thường xuyên tắm nắng cho trẻ để tổng hợp vitamin D giúp cho việc hấp thu canxi đạt kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, cũng cần cho trẻ ăn uống thêm nước trái cây (mỗi ngày khoảng 1-2 thìa cà phê).
Khi trẻ được 6 tháng tuổi cần cho trẻ ăn dặm bằng bột. Bột của trẻ phải từ loãng đến đặc và trẻ cần được uống sữa ít nhất đến 24 tháng tuổi, nếu có điều kiện có thể cho trẻ uống sữa lâu hơn nữa.
Những điều cần tránh khi nuôi con không có sữa mẹ:
Không nên đổi sữa của trẻ liên tục
Không pha trộn nhiều loại sữa với nhau
Không cho trẻ uống sữa không phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
Không cho trẻ uống sữa đặc có đường.
Không pha đường vào sữa của trẻ.
Không pha sữa bằng nước sôi, nước cháo, nước rau quả
Không cho trẻ ngậm bình sữa suốt ngày
Nên theo dõi cân nặng của trẻ hằng tháng để phòng trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc béo phì.
Do trẻ không được bú mẹ nên có thể thiếu nước vì vậy cần cho trẻ uống thêm nước đun sôi để nguội sau khi cho trẻ ăn hoặc uống sữa.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc