Multimedia Đọc Báo in

Những điều cần biết về amidan

09:11, 29/06/2014
Amidan là tổ chức mô bạch huyết nằm trong vòm họng có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn trong những năm đầu đời. Khi lớn lên, mức độ miễn dịch của amidan giảm rõ rệt, lại hay bị viêm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Do nằm ở “cửa ngõ” đường thở nên amidan rất dễ bị viêm nhiễm. Nguyên nhân chủ yếu là do hít phải bụi, khói than, hóa chất, sự thay đổi đột ngột về thời tiết đã khiến cho vi khuẩn xâm nhập ồ ạt vào mũi họng, từ đó xảy ra tình trạng amidan bị viêm, sưng tấy, đỏ. Khi amidan bị viêm nhiều lần, khả năng chống vi khuẩn bị yếu đi, do chính các ổ viêm nằm trong amidan. Và đó là nguyên nhân khởi phát cho những đợt viêm vùng họng.

Viêm amidan được phân thành hai loại:

-Viêm amidan cấp không đặc hiệu: Biểu hiện trước tiên là đau họng, sốt nhẹ, chảy nước mũi, hắt hơi, kèm theo chảy nước mắt; 2 amidan sưng to, vùng họng viêm đỏ. Thủ phạm chính gây viêm là virut cúm Adeno, herpet hoặc cúm A,B,C…Trong trường hợp này, bệnh nhân nên hạn chế sử dụng kháng sinh, mà nên dùng một số thuốc điều trị triệu chứng như: phù nề, giảm đau…vệ sinh mũi họng bằng các dung dịch sát khuẩn nhẹ hoặc nước muối pha loãng.

-Viêm amidan cấp tính đặc hiệu do vi khuẩn: Trong trường hợp này, bệnh nhân sốt cao đột ngột, đau họng tăng, thường đau lan tỏa vùng tai, hạch lân cận sưng to, người mệt mỏi, amidan viêm to kèm theo các hốc mủ, miệng hôi, xuất hiện màng giả tại amidan. Thủ phạm thường là các vi khuẩn như: liên cầu khuẩn, xoắn khuẩn…. Trường hợp này thì amidan bị viêm tái đi tái lại nhiều lần, không còn tác dụng kháng khuẩn nữa mà lại là nơi phát sinh ra nhiều bệnh thì nên phẫu thuật cắt amidan. Theo khuyến cáo, không nên cắt amidan khi trẻ dưới 5 tuổi vì sẽ ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch và amidan chưa phát triển hết, nếu cắt nó sẽ phát triển trở lại. Nếu cắt cho người trên 45 tuổi thì nên thận trọng vì ở lứa tuổi này, nhiều người mắc các bệnh chống chỉ định khi cắt amidan như: tăng huyết áp, bệnh về tim mạch. Hơn nữa, ở lứa tuổi này, amidan thường bị xơ hóa nếu cắt bỏ có thể gây chảy máu nhiều, kéo dài rất nguy hiểm đến tính mạng.

Để phòng viêm amidan, nên vệ sinh đường mũi, họng thường xuyên bằng nước muối pha loãng, tránh dùng nước đá quá nhiều, giữ ấm, không để nhiễm lạnh nhất là trẻ nhỏ, đeo khẩu trang tránh bụi khi làm việc trong môi trường độc hại, mức độ ô nhiễm cao và khi ra đường.

Mỹ Hạnh

 


Ý kiến bạn đọc