Những điều cần biết về tiêm phòng sởi
Cũng như các vắc-xin khác, tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi không có hiệu quả phòng bệnh 100%. Đáp ứng miễn dịch còn tùy thuộc vào độ tuổi tiêm chủng, loại vắc-xin, đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khỏe của từng người, chất lượng vắc-xin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng.
Tổ chức Y tế thế giới cho biết những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch với sởi sau tiêm vắc-xin hoặc sau mắc bệnh thì miễn dịch này là bền vững suốt đời.
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nếu tiêm vắc-xin sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm có đáp ứng miễn dịch, còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch do các yếu tố còn tồn lưu miễn dịch do mẹ truyền, tình trạng sức khỏe, chất lượng bảo quản vắc-xin. Việc tiêm mũi vắc-xin sởi sau 12 tháng tuổi là cơ hội thứ 2 tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất hoặc chưa được tiêm vắc-xin sởi. Từ đó tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%.
Những trường hợp đã được xét nghiệm huyết thanh, tìm YMG kháng sởi và có kết quả xét nghiệm dương tính không cần tiêm vắc-xin sởi. Những trường hợp nghi ngờ mắc sởi trước đây nhưng không được chẩn đoán mắc sởi vẫn cần tiêm.
Vi rút sởi cần thời gian để xâm nhập vào các mô cơ thể gây bệnh. Do vậy, vắc xin có thể phòng bệnh nếu tiêm trong vòng 72 giờ kể từ khi tiếp xúc, việc tiêm vắc-xin trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc có thể phòng biến chứng nặng của bệnh.
Đối với tiêm vắc-xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì áp dụng lịch tiêm chủng do Bộ Y tế đã phê duyệt như sau:
Trong tiêm chủng thường xuyên: Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi và tiêm mũi thứ 2 khi trẻ 18 tháng tuổi. Khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi tiêm vắc xin sởi là 1 tháng. Tất cả lứa tuổi đều có thể tiêm vắc xin sởi. Chỉ tiêm vắc-xin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi khi có chỉ đạo của chương trình tiêm chủng mở rộng trong trường hợp cần thiết.
Tất cả các trường hợp tiêm vắc-xin sởi trước 9 tháng tuổi cần tiêm ngay vắc-xin khi đủ 9 tháng tuổi; mũi tiêm trước 9 tháng tuổi không được tính là một mũi vắc-xin.
Không nên tiêm vắc-xin sởi cho phụ nữ có thai, không tiêm vắc-xin sởi cho các tường hợp suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch liều cao, xạ trị hoặc mắc các bệnh ác tính do ở những trường hợp này khả năng tạo miễn dịch chủ động bị suy giảm. Có thể tiêm vắc-xin sởi cho những người dương tính với HIV nhưng chưa chuyển sang giai đoạn AIDS.
Tiêm vắc-xin sởi vẫn có thể bị nhiễm vi rút sởi bởi vì vắc-xin chứa vi rút sởi đã bị làm yếu nhưng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Triệu chứng thì thường nhẹ, những người này không lây vi rút cho người khác nên không cần cách ly.
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc