Phát hiện và phòng bệnh viêm tai giữa cho trẻ
Theo thống kê của Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, trung bình mỗi tuần Khoa tiếp nhận và điều trị khoảng 30-40 ca bệnh viêm tai giữa, chủ yếu ở trẻ nhỏ. Đa số trẻ nhập viện trong tình trạng viêm mũi họng kéo dài, tai chảy mủ, có mùi hôi khó chịu…
Bệnh viêm tai giữa thường xảy ra quanh năm nhưng trẻ mắc nhiều nhất vào mùa lạnh, nguyên nhân là do: trẻ bị cảm lạnh, viêm mũi họng kéo dài; trẻ sống trong môi trường có khói thuốc lá; do trẻ đi bơi lội để nước vào tai, vệ sinh không sạch; chọc ngoáy vào tai; trẻ nằm bú sữa bình không cẩn thận khiến sữa tràn vào trong tai, gây viêm.
![]() |
Với bệnh viêm tai giữa, các bậc cha mẹ thường không để ý chỉ đến khi bệnh tiến triển nặng mới phát hiện và đưa trẻ đến chuyên khoa để khám và điều trị. |
Bác sĩ nội trú Võ Nguyễn Hoàng Khôi, Trưởng Khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Triệu chứng viêm tai giữa của trẻ thường có biểu hiện giống như các bệnh thông thường khác như: sốt cao trên 380C, đau họng, quấy khóc, kém ăn, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày… Vì vậy các bậc cha mẹ thường không để ý chỉ đến khi bệnh tiến triển nặng như: tai chảy mủ, có mùi hôi mới phát hiện và đưa trẻ đến chuyên khoa tai - mũi - họng để khám và điều trị.
Do đó, các bậc cha mẹ cần lưu ý đến những cử chỉ của trẻ để phát hiện con em mình có bị bệnh hay không như: gọi, hỏi trẻ thấy trẻ lơ đãng, chậm phát triển về ngôn ngữ, trẻ hay lấy tay dụi vào tai. Khi thấy các triệu chứng trên nên đưa trẻ tới phòng khám chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh viêm tai giữa cho trẻ, bác sĩ Khôi khuyến cáo, cần giữ ấm cho trẻ vào mùa lạnh, thường xuyên vệ sinh thân thể, răng, hàm, mặt, tai sạch sẽ; khi tắm gội cần lưu ý lau khô tai và không để nước vào bên trong tai. Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá; vệ sinh môi trường, sân chơi thường xuyên cho trẻ.
Kim Châu
Ý kiến bạn đọc