Vi chất dinh dưỡng - sự cần thiết đối với sức khỏe
Hiện nay, mặc dù nền kinh tế phát triển nhưng sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng đối với sức khỏe mỗi người tại cộng đồng vẫn còn rất cao, nhất là đối với trẻ em. Những loại vi chất dinh dưỡng thiếu hụt thường gặp là vitamin A, sắt và kẽm.
Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia công bố năm 2010: tỷ lệ trẻ thiếu vitamin A ở nước ta là 14,2% và khoảng 35% ở bà mẹ đang cho con bú; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu máu dinh dưỡng là 29,2%, ở phụ nữ có thai là 36,5%, ở phụ nữ tuổi sinh đẻ chung là 28,8% (điều tra năm 2008).
Vi chất dinh dưỡng bao gồm các vitamin: A, B, C, D, K, E, PP và chất khoáng. Gọi là vi chất dinh dưỡng vì cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ và không thể thiếu đối với sự phát triển bình thường của cơ thể. Nữ hộ sinh Trần Thị Châu, phụ trách công tác dinh dưỡng, Trạm Y tế phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: Thiếu vi chất dinh dưỡng trẻ sẽ bị thiếu sức đề kháng cho cơ thể, trẻ hay đau ốm, chậm lớn bởi đối với trẻ em nhu cầu về vitamin và chất khoáng rất lớn. Ví dụ thiếu vitamin A trẻ sẽ bị cận thị, có khi gây mù lòa. Thiếu i-ốt ở phụ nữ mang thai có thể gây sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Đối với trẻ, thiếu i-ốt trong giai đoạn bào thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, các khuyết tật thần kinh khác như điếc, lác mắt. Thiếu vitamin D và canxi trẻ hay giật mình khi ngủ, chậm mọc răng, chậm biết bò, biết đi…
Để tránh cho trẻ bị thiếu chất gây ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, những người nuôi dưỡng trẻ cần chú ý đến việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Đấy là bữa ăn bảo đảm đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng cần thiết:
- Nhóm giàu chất đạm: Cung cấp các acid amin cần thiết mà cơ thể con người không thể tự động tổng hợp được. Các chất đạm động vật thường là có đủ các acid amin cần thiết ở tỷ lệ cân đối. Các thức ăn thực vật như các loại họ đậu cũng là nguồn cung cấp chất đạm quan trọng cho bữa ăn.
- Nhóm giàu chất béo: là nguồn cung cấp năng lượng và các acid béo cần thiết cho cơ thể. Dầu thực vật chứa nhiều “acid béo không no” rất cần thiết để xây dựng màng tế bào thần kinh cho trẻ em từ sơ sinh cho đến 4 tuổi. Một số gia đình có xu thế thay thế hoàn toàn mỡ động vật bằng dầu thực vật là chưa hợp lý bởi vì các “acid béo không no” có nhiều trong dầu thực vật khi chuyển hóa không hoàn toàn sẽ tạo thành các sản phẩm trung gian ảnh hưởng tới sức khỏe. Nên giữ chất béo động vật chiếm khoảng 60% tổng số chất béo của khẩu phần.
- Nhóm giàu chất bột: Ngũ cốc thường được dùng làm thức ăn cơ bản và nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu của khẩu phần. Ngoài ra ngũ cốc còn là nguồn cung cấp nhiều vitamin nhóm B, nhất là vitamin B1.
- Nhóm thức ăn cung cấp vitamin và chất khoáng: Rau xanh, trái cây chín là nguồn cung cấp chủ yếu vitamin và chất khoáng trong bữa ăn, nhất là vitamin C và caroten như rau ngót, rau muống, cà rốt, bưởi, đu đủ, cam, xoài… Đặc biệt vitamin trong trái cây chín không bị phá hủy khi trái giập nát, nhưng lượng vitamin này sẽ bị mất mát nhiều khi rau bị giập nát. Vì thế dùng rau tươi, tránh làm rau bị giập nát khi vận chuyển, thái rau xong nấu ngay và nấu rau xong ăn ngay là cách tốt nhất để hạn chế bị mất các vitamin có trong rau. Muối ăn là gia vị dùng hằng ngày nhưng thực ra chỉ cần dùng một lượng rất ít.
Song song với việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cũng rất quan trọng để thức ăn không là nguồn gây bệnh. Số bữa ăn/ngày phụ thuộc vào lứa tuổi, tình trạng sức khỏe và mức độ lao động.
Món ăn có màu sắc, mùi vị hấp dẫn, ăn đúng bữa, khi cơm vừa chín tới, thức ăn được nhai kỹ và khi ăn thoải mái, vui vẻ, ngon miệng thì sẽ kích thích men tiêu hóa tiết ra nhiều, tiêu hóa tốt và có tỷ lệ hấp thu vào cơ thể tăng lên. Ngoài ra các bậc cha mẹ cần giúp trẻ duy trì các hoạt động thể dục thể thao, phù hợp với mọi lứa tuổi và tình trạng sức khỏe và nhất là ăn uống phải bảo đảm vệ sinh.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc