Phòng và xử trí một số trường hợp bất thường ở trẻ sơ sinh
Trong những ngày đầu sau sinh cần chăm sóc trẻ cẩn thận:
Luôn giữ ấm cho trẻ bằng cách quấn tã, chăn, để trẻ nằm nơi ấm áp, nằm cạnh mẹ. Vì trẻ sơ sinh không thể tự điều chỉnh được nhiệt độ của mình nên có thể bị nóng và lạnh rất nhanh. Trẻ sơ sinh dễ bị mất nhiệt, nếu bị lạnh quá trẻ có thể bị tử vong.
Cho trẻ bú mẹ ngay trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, càng sớm càng tốt để trẻ được bú sữa non. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, không cho ăn hoặc uống bất kì một loại thức ăn nào khác kể cả nước trắng; cho bú bất cứ lúc nào trẻ có nhu cầu.
Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh cẩn thận. Nếu thấy rốn có dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế. Bởi rốn là nơi dễ nhiễm khuẩn, là đường xâm nhập của vi khuẩn, do đó cần chăm sóc rốn trẻ cẩn thận để không bị nhiễm khuẩn. Cắt rốn bằng dụng cụ sạch vô khuẩn. Không cần băng rốn, chỉ cần quấn tã hoặc đóng bỉm ở phía dưới rốn. Giữ cho rốn khô, sạch, không bôi hoặc đắp bất cứ thứ gì lên rốn. Không để nước tiểu, phân dính vào cuống rốn. Nếu không may bị dính thì phải rửa sạch bằng nước muối nhạt rồi thấm khô và chấm cồn. Khi tắm cho trẻ nếu không may để rốn bị ướt thì dùng gạc sạch, mềm thấm khô nước. Hạn chế sờ vào cuống rốn và vùng quanh rốn. Khi rốn đã rụng vẫn cần giữ chân rốn khô cho tới khi liền sẹo.
Trẻ sơ sinh bình thường khi:
- Màu da: Trẻ mới lọt lòng mẹ da từ màu đỏ chuyển sang hồng hào. Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 da trẻ có thể bị vàng nhẹ.
- Nhịp thở: Trẻ thở êm, nhẹ, không có hiện tượng co rút lồng ngực.
- Thân nhiệt bình thường, ấm áp, không nóng cũng không lạnh. Nhiệt độ cơ thể từ 36.5 - 37.40C.
- Bú mẹ: Trẻ thường bú mẹ từ 10 - 12 lần trong một ngày
- Đi vệ sinh: Trẻ đi cầu phân su trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, sau đó đi cầu phân có màu vàng và đi khoảng 3-4 lần/ ngày. Trẻ đi tiểu khoảng 7 – 8 lần trong một ngày.
Cần theo dõi và phát hiện những bất thường xảy ra đối với trẻ như:
Rốn chảy máu, sưng đỏ vùng quanh rốn, rốn có mùi hôi, chảy nước vàng, rốn có u hạt to, rỉ máu. Hơn 10 ngày mà rốn chưa rụng.
- Trẻ có thể bú ít hoặc bỏ bú. Nằm ngủ li bì khó đánh thức
- Trẻ sốt cao hoặc bị co giật.
- Mắt của trẻ sưng đỏ hoặc có mủ.
- Da vàng sớm: trong 24 giờ đầu sau sinh, hoặc kéo dài hơn 10 ngày hoặc vàng da đậm hoặc lan nhanh tới lòng bàn tay, bàn chân.
- Nôn liên tục.
- Bụng trướng to.
- Đi cầu nhiều nước, nhiều lần hơn bình thường.
- Trẻ không đi cầu hoặc đi tiểu sau 24 giờ tính từ sau khi sinh.
- Để phòng một số trường hợp bất thường ở trẻ
Để tránh cho trẻ không bị nôn trớ nhiều người mẹ cần bế trẻ ở tư thế đầu cao khi cho bú. Khi trẻ bú cần để ý xem trẻ có nuốt sữa không. Nếu trẻ không muốn bú, còn ngậm sữa trong miệng thì phải dừng không cho trẻ bú nữa. Sau khi cho trẻ bú xong, cần bế trẻ ở tư thế đầu cao, áp đầu vào vai hoặc ngực mẹ, vỗ nhẹ lưng đến khi trẻ ợ bớt hơi trong dạ dày mới đặt trẻ nằm.
Da của trẻ sơ sinh mỏng, rất dễ bị tổn thương. Khi ẩm ướt da rất dễ bị hăm với biểu hiện là sưng đỏ vùng da. Vì vậy không để trẻ mặc tã lót ẩm ướt, bẩn. Sau khi trẻ đi cầu, đi tiểu cần rửa sạch, lau khô da và thay tã khô, sạch cho trẻ. Nếu chẳng may da trẻ bị hăm cần bôi thuốc theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế. Chú ý rửa tay sạch trước và sau khi chăm sóc trẻ.
Tưa miệng là khi lưỡi và mặt trong miệng của trẻ bị nhiễm nấm có các vệt màu trắng. Nếu bị tưa lưỡi trẻ sẽ bị đau miệng, bú kém và quấy khóc. Do đó, cần rửa sạch dụng cụ dùng cho trẻ như chén bát, thìa cốc. Cần đánh tưa cho trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Nếu trẻ không đi cầu sau 3 ngày liền mà không có biểu hiện nôn trớ, không chướng bụng là có thể trẻ bị táo bón. Nếu trẻ bị táo bón cần cho trẻ bú mẹ nhiều hơn. Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được hướng dẫn và xử trí kịp thời.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc