Multimedia Đọc Báo in

Bệnh huyết khối tĩnh mạch

17:50, 15/10/2014
Bệnh huyết khối tĩnh mạch (HKTM) là tình trạng hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch, là một bệnh phổ biến ở các nước phát triển.
 
Ở nước ta bệnh đang có xu hướng ngày một gia tăng. Triệu chứng của bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, do đó nếu không được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời thì bệnh nhân sẽ bị tổn thương rất nặng và nguy hiểm.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của chuyên ngành tim - mạch và đặc biệt là các phương tiện thăm dò mạch máu như siêu âm Doppler mạch thì việc chẩn đoán và phát hiện bệnh rất dễ dàng. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng cứu sống được người bệnh và không để lại các di chứng đáng tiếc. Dưới đây, bác sĩ chuyên khoa II Đào Anh Dũng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về căn bệnh này:

Bệnh HKTM có các dạng:

HKTM sâu: Thành mạch bị tổn thương; ứ trệ tuần hoàn: hay gặp trong các bệnh như: dãn tĩnh mạch, suy tim, sau phẫu thuật, thai nghén, thể trạng mập béo ít vận động; rối loạn đông máu: thay đổi các thành phần hữu hình của máu và các yếu tố đông máu.

Tắc mạch phổi: Là hậu quả do HKTM di chuyển về tim phải rồi lên động mạch phổi gây tắc động mạch phổi, ảnh hưởng trực tiếp đến huyết động và rối loạn cân bằng thông khí - bơm máu.

Nguyên nhân: Thai nghén cũng làm tăng nguy cơ HKTM lên 6 lần so với phụ nữ không mang thai.

Bệnh lý mạch vành và tai biến mạch máu não: thường có bệnh HKTM phối hợp chiếm từ 15-30% các trường hợp.

Ngoài ra, HKTM có thể gặp trên những bệnh nhân bị ung thư, bị các bệnh về máu, bệnh lupus ban đỏ, bệnh behcet, bệnh buerger hay bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc như: dùng thuốc ngừa thai, nghiện chích thuốc phiện…

Triệu chứng: Triệu chứng lâm sàng bệnh HKTM rất đa dạng, triệu chứng thường không đầy đủ, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác và tùy theo vị tĩnh mạch bị tắc mà có biểu hiện khác nhau.

- Đối với trường hợp HKTM sâu ở chân: bệnh nhân thường thấy đau tự nhiên ở bắp chân, có thể lan lên tới đùi, bẹn theo đường đi của tĩnh mạch, là triệu chứng không đặc hiệu; phù chân ở một bên bị tắc; tăng nhiệt độ cục bộ của chân bên bị tắc; dãn các tĩnh mạch nông ở chân bị tắc.

-  Đối với trường hợp HKTM chậu: Thường gặp ở những bệnh nhân có phẫu thuật vùng chậu như thay khớp háng, hay bệnh nhân mang thai, bệnh nhân thời kỳ hậu sản. Bệnh nhân thấy đau bụng hạ vị, đau tử cung - âm đạo, rối loạn tiểu tiện, sốt lạnh run, đôi khi biểu hiện giống nhiễm trùng huyết.

- Đối với trường hợp HKTM chủ: HKTM chủ dưới thường là hậu quả của HKTM chậu lan lên do không phát hiện và điều trị kịp thời hoặc có thể gặp trong trường hợp bệnh nhân bị ung thư thận. HKTM chủ trên biểu hiện bằng tím và phù ở đầu, mặt và nửa trên ngực. Nguyên nhân thường là do u trung thất chèn ép vào tĩnh mạch chủ trên, hoặc do tai biến của đặt catheter tĩnh mạch trong khi hồi sức, hay bệnh behcet (bệnh tự miễn), hay là hậu quả tiến triển của huyết khối tĩnh mạch tay.

- Đối với trường hợp tắc mạch phổi: Đây là hậu quả của sự tiến triển HKTM sâu, gây tử vong cao. Có 3 hình thái có thể gặp tắc mạch phổi: Đau ngực, có thể phối hợp với ho ra máu, chiếm khoảng 50%; khó thở không thể giải thích được, chiếm khoảng 30%; bệnh nhân có tình trạng sốc, chiếm khoảng 10%; trên X-quang phổi thông thường có thể thấy hình ảnh mờ khu trú hoặc hình ảnh xẹp phổi.

Hội chứng sau HKTM:

Các triệu chứng xuất hiện từ vài tháng đến vài năm sau HKTM sâu, gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị sớm một HKTM là rất cần thiết để tránh các hậu quả đáng tiếc. Hội chứng sau HKTM bao gồm các triệu chứng sau:

- Đau bắp chân, dãn tĩnh mạch nông.

- Phù quanh mắt cá hay cả chân, có thể dẫn đến chân căng to thường xuyên.

- Da có nhiều rối loạn dinh dưỡng.

- Các ổ loét ở cẳng chân.

Phương pháp điều trị:

Điều trị HKTM bao gồm nhiều biện pháp đồng bộ như: dùng thuốc chống đông máu (thường dùng là Héparin trọng lượng phân tử thấp), băng ép bằng băng thun, vận động, phẫu thuật lấy huyết khối tĩnh mạch làm thông lòng tĩnh mạch và dùng thuốc làm tan huyết khối.

Các biện pháp dự phòng HKTM: bệnh nhân nên ngồi dậy vận động sớm sau phẫu thuật, vật lý trị liệu, băng thun, nằm kê cao chân, dùng Héperin sau những phẫu thuật có nguy có HKTM và Aspirin.

Hồng Vân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc