Multimedia Đọc Báo in

Chế độ ăn uống và điều trị theo y học cổ truyền

09:51, 03/10/2014
Nguyên nhân gây nên bệnh Gout (Gút) là do rối loạn chuyển hóa, có liên quan đến chế độ ăn uống do nồng độ axit uric quá cao trong huyết tương dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat.
 
Nếu lắng đọng ở các khớp sẽ làm cho các khớp bị viêm, gây đau đớn, lâu dần gây biến dạng, cứng khớp… vì vậy nó làm cho cuộc sống, sinh hoạt của bạn trở nên khó khăn. Nếu lắng đọng ở thận gây bệnh thận (sỏi thận, viêm thận kẽ…). Những  thực phẩm ăn uống hàng ngày có tác động rất lớn đến bệnh. Để tránh các cơn đau do bệnh gút gây ra, hoặc làm giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn nên hạn chế ăn các loại thực phẩm sau đây:

Hải sản: Thịt của các loài hải sản rất giàu purin, khi vào cơ thể sẽ  phân hủy thành axit uric. Vì vậy, nếu ăn nhiều sẽ càng làm tăng nguy cơ bị gút hoặc làm bệnh nặng thêm nếu đang bị bệnh.

Bia, rượu: Uống bia làm tăng gấp đôi nguy cơ bị gút, vì nó không chỉ làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể, mà còn khiến cho cơ thể khó phân hủy cũng như loại bỏ lượng chất này ra khỏi cơ thể.

Thịt đỏ: Thịt đỏ (thịt cừu, gà tây, bò, lợn..) đặc biệt là thịt gà tây chứa nhiều purin hơn hẳn các loại thịt khác, nên sẽ làm tăng axit uric trong máu. Thịt trắng là tốt hơn so với thịt đỏ, nhưng thỉnh thoảng bạn vẫn có thể ăn chứ không nhất thiết phải kiêng hoàn toàn.

Đồ uống có đường: Các chất ngọt, nhất là các chất ngọt nhân tạo sẽ kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều axit uric hơn, nên không tốt cho người bị bệnh hoặc người có nguy cơ bị bệnh gút.

Măng tây, súp lơ, rau bina, nấm: Là những loại rau có hàm lượng purin cao hơn các loại rau khác, nên cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đối với người bị gút.

Bên cạnh các thực phẩm cần hạn chế, cũng có một số thực phẩm tốt đối với bệnh gút như: sữa ít béo, cà phê, trà, trái cây như táo, dưa chuột, đặc biệt là các loại trái cây họ cam, quýt, rau xanh. Ngoài ra ăn đậu đen rất tốt đối với người mắc bệnh gút, vì trong  đậu đen có rất nhiều chất anthocyanin giúp làm giảm các cơn đau của gút, đồng thời giúp hòa tan các tinh thể axit uric trong cơ thể, hạn chế sự tích tụ axit uric. Bạn cũng nên uống nhiều nước mỗi ngày, vì nước giúp xử lý axit uric dư thừa và đưa nó ra khỏi cơ thể qua đường tiểu.

 Theo y học cổ truyền bệnh gút thuộc chứng thống phong, nguyên nhân do phong thấp tà xâm nhập vào cơ thể gây tắc nghẽn kinh lạc, khí huyết ứ trệ tại các khớp gây đau và cử động các khớp khó khăn.

Điều trị gút theo y học cổ truyền: Chủ yếu là khu phong trừ thấp thông kinh hoạt lạc.

Các phương pháp không dùng thuốc như: Xoa bóp day bấm huyệt, châm cứu. Ngoài ra, có thể dùng đá chườm trực tiếp, hoặc cho vào túi chườm lên vùng khớp bị viêm sưng, giúp làm giảm cơn đau. Ngâm chân bằng nước ấm có chút muối biển (hoặc muối thông dụng) cũng rất tốt đối với người bệnh gút.

Phương pháp dùng thuốc áp dụng các bài thuốc sau:

Bài 1: Tam diệu thang: đương quy 15g, xích thược 15g, hoàng bá 12g, ý dĩ nhân 30g, ngưu tất 12g, mộc qua 12g, đại thanh 6g, hoạt thạch 15g, tri mẫu 9g, độc hoạt 12g, kê huyết đằng 30g, tỳ giải 12g. Sắc uống ngày 1 thang

Bài 2: Độc hoạt 12g, bạch truật 12g, thương truật 12g, thục địa 6g, ý dĩ nhân 12g, mộc qua 10g, thạch hộc 10g, hoàng bá 8g. Sắc uống ngày 1 thang

                       BS Phạm Thị Hiền

 (Bệnh viện YHCT tỉnh)


Ý kiến bạn đọc