Multimedia Đọc Báo in

Bác sĩ tương lai "rèn đức, luyện tài"

08:34, 28/05/2015
Mới hơn 7 giờ, trụ sở UBND xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) đã đông kín người đến chờ đăng ký khám bệnh, nhận thuốc miễn phí. Nhưng chộn rộn, háo hức vẫn là các em nhỏ chờ đến lượt được nhận quà học sinh hiếu học.

Đúng 8 giờ, chương trình “Kết nối yêu thương, nâng cánh ước mơ” do Đoàn Khoa Y dược Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức bắt đầu. Sau một vòng được khám tổng quát, bà Đặng Thị Cháu, 79 tuổi (thôn Hòa An) phấn khởi nói: “Chiều hôm qua tôi nhận được thông báo của thôn trưởng là sáng nay đến UBND xã khám bệnh, nhận quà. Đứa con út bận đi rẫy, nên tôi bảo con trai thứ 5 chở ra đây từ rất sớm. Chưa bao giờ tôi thấy đông người đến khám bệnh như hôm nay, ai đau thế nào, nói là bác sĩ khám hết”. Còn chị La Thị Thu (dân tộc Tày), 39 tuổi cho biết: “Tôi chở 2 con đến nhận quà khuyến học. Trong lúc các con chơi trò chơi do các anh, chị sinh viên tổ chức, tôi tranh thủ hỏi thăm bác sĩ về tình trạng sức khỏe do mới mổ u nang buồng trứng. Sau khi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ nói ổn định, cấp thuốc bổ về nhà uống để tăng cường sức đề kháng”.

Bác sĩ Khoa Y dược Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức khám bệnh  cho bà con xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn).
Bác sĩ Khoa Y dược Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức khám bệnh cho bà con xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn).

Dù đã nhiều lần thực hiện các chuyến đi khám chữa bệnh từ thiện trong tỉnh nhưng bác sĩ Nguyễn Văn Long, Bí thư Đoàn Khoa Y dược không giấu được xúc động khi chứng kiến sự mong đợi được khám bệnh, tư vấn sức khỏe của bà con ở xã đặc biệt khó khăn khi nghe tin bác sĩ về xã. Bác sĩ Long chia sẻ: “Ngoài giảng dạy, học tập, cán bộ, giảng viên, sinh viên khoa Y dược luôn chú trọng đến trách nhiệm cộng đồng, tăng cường hoạt động vì an sinh xã hội. Vì vậy, khi Đoàn khoa phát động chương trình từ thiện, xã hội với thông điệp “Kết nối yêu thương, nâng cánh ước mơ” đông đảo sinh viên ủng hộ nhiệt tình”. Ngoài mua bút, áo thun in logo chương trình, các bạn còn tự tay kết những chiếc vòng đeo tay lưu niệm bán gây quỹ. Không ít bạn sinh viên, ban ngày học trên trường, ban đêm trực ở bệnh viện, nhưng khuya vẫn tỉ mẩn kết từng chiếc vòng đeo tay với suy nghĩ giúp các em nhỏ nơi vùng khó khăn sẽ có thêm cuốn vở, chiếc bánh, kẹo. Hay như nhiều bạn sinh viên phải tất bật từ 5 giờ sáng để sắp xếp hàng hóa, thuốc men lên xe kịp về với bà con đúng hẹn. Bạn Bùi Duy Phương Nam, sinh viên năm thứ nhất ngành Y đa khoa thổ lộ: “Khi còn là học sinh THPT em đã tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội, nhưng hồi ấy chỉ là thành viên, nên trách nhiệm cũng nhẹ nhàng hơn! Còn giờ đây, cùng các thành viên trong Ban Chấp hành Đoàn khoa tổ chức chuyến khám, chữa bệnh, phát thuốc cho bà con với rất nhiều thứ phải chuẩn bị kỹ càng: con người, thuốc men, thiết bị, kinh phí thực hiện, cách tổ chức… nên ai nấy đều lo lắng, nhưng bù lại em thấy mình trưởng thành, tự tin hơn nhiều. Về đây nhìn thấy bà con tập trung đến rất đông, chờ đợi được khám chữa bệnh, nhận quà, không riêng em mà gần 100 cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia chương trình càng thấy trách nhiệm hơn với nghề nghiệp của mình”.

Kết thúc chuyến đi đầy mệt nhọc, nhưng cán bộ, giảng viên, đặc biệt là các bác sĩ tương lai đều có chung cảm nhận chương trình khám bệnh, phát thuốc từ thiện như thế này không chỉ tốt bà con, mà còn có tác dụng rất lớn, giúp họ hiểu thêm đời sống khó khăn của người dân nhiều vùng trong tỉnh, từ đó có sự đồng cảm, chia sẻ, ý thức hơn trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl bày tỏ: “Ea Nuôl là xã vùng 3, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm gần 50%, điều kiện phát triển kinh tế rất khó khăn. Sự chia sẻ của cán bộ, giáo viên sinh viên Khoa Y dược Trường Đại học Tây Nguyên với bà con nghèo, với các em học sinh rất quý và đáng trân trọng. Mong rằng thông điệp yêu thương này sẽ lan tỏa sâu rộng trong toàn trường, ở nhiều trường khác để những trí thức trẻ cảm nhận, thấu hiểu cuộc sống khó khăn vất vả, sự thiếu thốn và thiệt thòi của bà con vùng xa để sau khi tốt nghiệp ra trường ngoài vững vàng kiến thức chuyên môn, các bạn sẽ có thêm kiến thức xã hội, kỹ năng sống phục vụ tốt hơn cho công việc”.

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc