Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực chăm sóc sức khỏe nhân dân

09:46, 15/07/2015

Những năm qua, những người thầy thuốc ở Trạm Y tế xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc) đã khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.

Y sĩ Võ Thị Lệ Oanh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết: “Ea Hiu là một xã thuần nông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên chất lượng cuộc sống cũng như việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình còn nhiều mặt hạn chế. Đó cũng là khó khăn đối với những người làm công tác y tế trên địa bàn xã. Song, may mắn là chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Đảng ủy và chính quyền địa phương cũng như sự phối hợp hiệu quả từ các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự hăng say nhiệt tình của đội ngũ cán bộ y tế từ xã đến thôn, buôn. Qua đó đã đưa hoạt động y tế của địa phương ngày càng hiệu quả, tạo được niềm tin và trở thành chỗ dựa của người dân trong những khi đau ốm. Hằng năm, các chỉ tiêu, kế hoạch về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân địa phương luôn được hoàn thành tốt. Hoạt động chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng ưu tiên như người có công với cách mạng, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn cũng được chú trọng thực hiện”. Trạm Y tế xã được xây dựng khang trang, máy móc, thiết bị hiện đại, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y bác sĩ ngày một nâng cao, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh chu đáo…, là những yếu tố tạo nên sự tin tưởng của người dân địa phương khi đến khám chữa bệnh tại Trạm. Chị H’En ở buôn Jăt A, xã Ea Hiu đang điều trị nội trú tại Trạm cho biết: “Tôi bị sốt cao, cơ thể rất mệt mỏi nên người nhà đưa đến Trạm Y tế xã, được các y, bác sĩ khám bệnh, điều trị và chăm sóc rất nhiệt tình, sức khỏe của tôi đã khá lên nhiều”. Còn bà Mó Niăng ở buôn Jăt B bộc bạch: “Hoàn cảnh nhà tôi khó khăn, ít có điều kiện ra bệnh viện huyện khám bệnh. May mà có Trạm y tế xã, khi bị ốm đến đây, tôi được các y bác sĩ khám bệnh, tư vấn cách phòng bệnh cho bản thân và cả những người trong gia đình”.

Một bệnh nhân điều trị nội trú tại Trạm Y tế xã Ea Hiu.
Một bệnh nhân điều trị nội trú tại Trạm Y tế xã Ea Hiu.

Không chỉ làm tốt công tác khám, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, thời gian qua, Trạm Y tế xã Ea Hiu còn tích cực tham mưu với UBND xã xây dựng các kế hoạch và phương án phòng, chống dịch theo mùa; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, đồng thời huy động đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh,  từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Không những thế, trước thực trạng tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở địa phương luôn ở mức cao, các cán bộ y tế của Trạm đã không quản ngại khó khăn, trực tiếp đến từng địa bàn thôn buôn để tổ chức nấu thực hành bữa ăn dinh dưỡng, qua đó tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách chăm sóc bữa ăn cho con trẻ bằng chính các loại thực phẩm sẵn có của gia đình. Nhờ vậy, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng của xã đã giảm đáng kể, từ 38% giảm xuống còn 26,5%.

Có thể thấy, vượt lên những khó khăn trước mắt, nhiều năm qua, bằng sự nỗ lực hết mình của đội ngũ cán bộ y tế từ xã đến thôn và sự quan tâm hỗ trợ kịp thời từ các ban, ngành, đoàn thể, Trạm Y tế xã Ea Hiu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn. Để hoàn thành tốt hơn nữa vai trò của mình, hiện đội ngũ cán bộ y tế xã Ea Hiu đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể nhằm làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống mức thấp hơn. Đồng thời, các cán bộ y tế xã sẽ tiếp tục học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân khi đời sống ngày một phát triển.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.