Multimedia Đọc Báo in

Lựa chọn vắc-xin dịch vụ hay vắc-xin miễn phí?

07:08, 10/10/2015
Khi cô con gái vừa tròn 2 tháng tuổi, anh bạn tôi đưa con đi tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib theo lịch.
 
Sau khi cân nhắc, bạn chọn cho con tiêm vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim của Pháp thay thế vắc-xin “5 trong 1” Quivaxem của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia với niềm tin vắc-xin tốt phản ứng phụ sẽ nhẹ hơn. Thế nhưng, đi đến điểm tiêm dịch vụ nào trên địa bàn tỉnh bạn cũng chỉ nhận được câu trả lời vắc-xin này đang tạm hết. Thấy vắc-xin dịch vụ quá khan hiếm, bạn đành nhờ vài người quen trong ngành Y tế trợ giúp và sau đó bé gái con bạn đã được tiêm vắc-xin “5 trong 1” Pentaxim tại một điểm tiêm dịch vụ trên đường T.N.D (TP. Buôn Ma Thuột). Nhân viên ở đây cho biết số lượng vắc-xin còn ít nên chỉ dành để tiêm nhắc cho khách hàng cũ chứ không tiếp nhận khách hàng mới, con bạn là trường hợp ngoại lệ.
Tiêm vắc-xin
Tiêm vắc-xin "5 trong 1" Quivaxem cho trẻ tại trạm Y tế phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột).

Cũng giống như trường hợp của bạn tôi, hiện nay rất nhiều bậc phụ huynh lựa chọn cho con tiêm các loại vắc-xin dịch vụ thay thế cho vắc-xin “5 trong 1” Quivaxem của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Mặc dù hiện nay, vắc-xin này rất khan hiếm tại các điểm tiêm dịch vụ, nhưng nhiều người vẫn quyết tâm chờ chứ nhất định không cho con tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bởi họ cho rằng vắc-xin tiêm chủng mở rộng là vắc-xin “nội”, không đảm bảo chất lượng và dễ bị phản ứng sau tiêm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này thì đây là những nhầm lẫn hết sức tai hại. Vắc-xin dịch vụ hay vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì đều có cả loại sản xuất trong nước lẫn loại nhập khẩu từ nước ngoài và đều được kiểm định nghiêm ngặt như nhau. Còn về vấn đề phản ứng phụ sau tiêm, các chuyên gia cho rằng không có vắc-xin nào là an toàn tuyệt đối, phản ứng sau tiêm của vắc-xin nói chung có thể từ nhẹ, vừa đến nặng và đặc hiệu cho từng loại vắc-xin; đồng thời phản ứng có thể xảy ra toàn thân hoặc tại chỗ tiêm. Điều quan trọng để hạn chế những trường hợp nguy hiểm cho trẻ khi tiêm vắc-xin đòi hỏi cần tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn chuyên môn, quy định trong quá trình sản xuất, bảo quản vắc-xin, khám, tư vấn, chỉ định tiêm chủng, thực hành an toàn tiêm chủng, theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng để có thể phát hiện sớm các biểu hiện bất thường và xử lý kịp thời.

Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu một số loại vắc-xin phòng bệnh hiện chỉ xảy ra với các vắc-xin dịch vụ. Thậm chí, theo dự báo của Cục quản lý Dược (Bộ Y tế), trong năm 2016, vắc-xin “6 trong 1” Infarix Hexa của Bỉ và “5 trong 1” Pentaxim của Pháp sẽ vẫn còn khan hiếm do các đơn vị sản xuất 2 loại vắc-xin này đang thay đổi dây chuyền sản xuất cũng như thay đổi địa điểm sản xuất nên sản lượng vắc-xin bị ảnh hưởng. Trong khi đó vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn đủ khả năng cung ứng cho nhu cầu của người dân. Thiết nghĩ, đã đến lúc các bậc phụ huynh cần xem lại quyết định của mình trong việc lựa chọn vắc-xin phòng bệnh cho trẻ, nếu cứ tiếp tục chờ đợi vắc-xin dịch vụ sẽ làm lỡ cơ hội của trẻ, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

 Khánh Duy 


Ý kiến bạn đọc