Multimedia Đọc Báo in

Ăn thực phẩm tái, sống: Sở thích có hại cho sức khỏe

08:58, 21/11/2015
Thực phẩm tái, sống thường được chế biến thành nhiều món ăn ngon, đẹp mắt, mùi vị hấp dẫn nên được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, sở thích ăn thực phẩm tái, sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Rất nhiều người cho rằng ăn thực phẩm tái, sống sẽ ngon hơn, giàu chất dinh dưỡng hơn so với đồ ăn đã được nấu chín kỹ. Anh Phạm Văn Cảnh (phường Tân Thành, TP.Buôn Ma Thuột) có sở thích ăn thịt bò tái. Anh cho biết: “Biết là ăn tái có thể gây bệnh nhưng nó là sở thích rồi khó bỏ lắm. Ăn thịt bò tái quen rồi, nếu ăn chín quá thì không ngon. Ăn tái cảm thấy thịt bò mềm, ngọt hơn, mới đúng hương vị của thịt bò”. Chị Trang (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) tỏ ra lo lắng khi món khoái khẩu của ông xã là món tôm sống chấm mù tạt. Chị chia sẻ: “Thấy ông xã hay ăn món này tôi cũng lo ngại nguy cơ nhiễm bệnh nhưng khuyên thế nào cũng không được. Sách báo khuyến cáo phải nấu kỹ, ăn chín uống sôi nhưng món ăn này đã trở thành món khoái khẩu nên anh ấy không bỏ được”.

Khác với suy nghĩ của nhiều người, hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào cho thấy thức ăn tái hoặc sống tốt hơn thức ăn chín. Ăn các thức ăn chưa nấu chín như tiết canh, phở bò tái, hải sản sống hoặc tái… để không bị mất đi các chất bổ dưỡng chỉ là quan niệm truyền miệng trong dân gian. Trên thực tế, có rất nhiều dạng ký sinh trùng gây bệnh sống ký sinh trên các loại thực phẩm, từ hải sản, thịt gia súc, gia cầm tới rau quả... và không thể khử chúng bằng cách dùng nước rửa sạch, mà phải nấu chín kỹ. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi và giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm nhiều khi không được bảo đảm nên thịt rất dễ bị nhiễm khuẩn; vì vậy nếu nấu không chín sẽ tạo cơ hội cho ký sinh trùng đi vào cơ thể và gây bệnh.

Thói quen sử dụng thực phẩm tái, sống khiến tỷ lệ các bệnh liên quan đến giun, sán ở nước ta hiện ở mức khá cao. Theo thống kê của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cứ 10 người thì có 7-8 người bị nhiễm giun, sán. Trung bình tại Viện mỗi năm tiếp nhận và điều trị cho hơn 1.000 ca bệnh do mắc các loại giun, sán. Nhiễm giun, sán phần lớn là do ăn uống hằng ngày không bảo đảm, không hợp vệ sinh. Do vậy, các chuyên gia dinh dưỡng đã cảnh báo rằng, những người thường xuyên sử dụng thực phẩm tái, sống có thể nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm (sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ và sán não, sán dải bò, giun xoắn, giun đầu gai…), nhiễm độc cấp tính, thường gặp nhất là thương hàn, dịch tả hoặc nhiễm bệnh từ chất bảo quản gây ung thư, ngộ độc, gây rối loạn thần kinh hoặc gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể. Người bệnh bị nhiễm giun, sán rất khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị, vì hầu hết các loại ký sinh trùng này khi vào cơ thể người không chỉ phát triển trong đường ruột mà phát triển ở nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể, phải sử dụng những kỹ thuật tiên tiến mới có thể chẩn đoán bệnh.

Vì vậy, để bảo đảm sức khỏe, không để ký sinh trùng thâm nhập vào cơ thể, cần từ bỏ những thói quen sử dụng thực phẩm tái, sống. Nên ăn chín, uống sôi; rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; khám sức khỏe định kỳ, tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.                                                                      

Võ Quỳnh


Ý kiến bạn đọc