Multimedia Đọc Báo in

Dịch vụ y tế: Tăng giá có tăng chất lượng?

08:39, 27/11/2015

Dự kiến năm 2016 có khoảng 1.800 dịch vụ y tế sẽ tăng giá do đưa phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và một phần lương vào viện phí. Điều mà người dân quan tâm nhất hiện nay là tăng giá có thực sự làm thay đổi chất lượng dịch vụ y tế như mục tiêu mà ngành chức năng đặt ra…

Giá dịch vụ y tế tăng từ 20-30%

Theo dự thảo Thông tư liên tịch của Bộ Y tế - Tài chính và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, khoảng 1.800 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh giá vào cuối năm nay, bao gồm: giá khám bệnh (theo hạng bệnh viện); giá ngày giường (theo hạng bệnh viện và chuyên khoa) và giá dịch vụ kỹ thuật, nhóm kỹ thuật (áp dụng chung cho các hạng bệnh viện). 26 loại hình dịch vụ y tế với hàng chục nghìn hạng mục thuộc nhiều chuyên ngành sẽ được kết cấu giá theo mức phẫu thuật, thủ thuật loại đặc biệt, loại I, II và III. Cùng với đó, mức giá khám bệnh sau khi kết cấu chi phí trực tiếp và tiền lương đối với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I dự kiến 40.000 đồng/lượt, hạng II là 39.000 đồng, hạng III là 34.000 đồng và hạng IV là 31.000 đồng. Hiện nay, mức thu tối đa tiền khám bệnh của các hạng bệnh viện này lần lượt là 20.000, 15.000, 10.000 và 7.000 đồng. Với điều chỉnh này, viện phí mới ước tính tăng khoảng 20-30% so với giá hiện hành. Việc tăng giá này được áp dụng cho tất cả các bệnh viện có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh hướng dẫn người nhà bệnh nhân về cách chăm sóc người bệnh.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh hướng dẫn người nhà bệnh nhân về cách chăm sóc người bệnh.

Điểm mới của việc tăng giá dịch vụ y tế lần này là tạo mức giá đồng nhất cho các dịch vụ y tế trong cả nước, tạo sự bình đẳng trong công tác khám, chữa bệnh. Hơn nữa, tăng giá không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà từng bước xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh và bảo đảm lợi ích của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, đồng thời chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT. Vì vậy, trước mắt việc tăng giá chỉ áp dụng với người có thẻ BHYT, đối với người chưa có thẻ BHYT thì vẫn thực hiện mức giá như hiện nay. Trong năm 2016, liên Bộ Y tế, Tài chính sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội để trình Chính phủ việc áp dụng cho người không có thẻ BHYT tại thời điểm phù hợp.

Tăng giá, chất lượng cũng tăng theo

Đó là khẳng định của Bác sĩ CKII Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk khi đề cập đến vấn đề tăng giá dịch vụ y tế lần này. Ông cho biết, chất lượng dịch vụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: trình độ cán bộ, cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị y tế. 3 năm trước, ngành Y tế cũng đã thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, mức giá lúc ấy mới chỉ được tính 3 yếu tố đầu tiên trong 7 yếu tố đầu vào (gồm: thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học) và các địa phương mới chỉ điều chỉnh ở mức 60-80% của 3 yếu tố nhưng đã mang lại những hiệu quả nhất định. Khi liên Bộ có chủ trương điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này, trước mắt sẽ kết cấu phụ cấp đặc thù và chi phí lương vào giá dịch vụ để giúp cho các cơ sở y tế có điều kiện đào tạo nâng cao trình độ cán bộ, nâng cấp cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị y tế. Các yếu tố này đều hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ.

Một ca  vá màng nhĩ nội soi  bằng  vật liệu  tự thân tại Bệnh viện Đa khoa  TP. Buôn  Ma Thuột.
Một ca vá màng nhĩ nội soi bằng vật liệu tự thân tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột.

Cùng với đó, thời gian qua ngành Y tế đã và đang quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; ban hành tiêu chuẩn về chất lượng bệnh viện; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian chờ đợi của người bệnh; tổ chức cho các cơ sở y tế ký cam kết “Đổi mới toàn diện phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; tập trung giảm tải bệnh viện… Đặc biệt, khi tính chi phí lương vào giá dịch vụ sẽ làm thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ y tế, bởi khi đó tiền lương của cán bộ y tế sẽ được người bệnh chi trả thông qua BHYT. Và khi được trả lương từ nguồn thu BHYT các bệnh viện sẽ phải đổi mới toàn diện, cả chất lượng chuyên môn lẫn chất lượng phục vụ, nhất là đổi mới tư duy, từ chỗ có tâm lý “ban ơn” sang phục vụ người bệnh và coi người bệnh là trung tâm của sự phục vụ. Có thể điều này sẽ không thấy rõ trong một sớm một chiều, nhưng chắc chắn chất lượng dịch vụ y tế sẽ ngày một tốt hơn để hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đồng thời, khi giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ theo đúng giá trị thực sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh giữa các cơ sở y tế công và tư. Nếu cơ sở y tế công mà chất lượng kém, người bệnh sẽ không tin tưởng đến khám chữa bệnh, BHXH sẽ không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT thì cơ sở ấy có nguy cơ sẽ phải đóng cửa.

Khuyến khích người dân tham gia BHYT

Theo tính toán của các ngành chức năng, khi tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương trong giá dịch vụ y tế, khoảng 23,7 triệu người là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT là những người hưởng lợi vì họ được ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán 100%. Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT tuy có bị ảnh hưởng nhưng mức độ không lớn. Bởi thực tế, trước đây khi chưa tính đủ giá, người bệnh phải trả thêm một số khoản chi phí, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm các chi phí này. Hơn thế nữa, kể từ ngày 1-1-2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, mà số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là cách điều chuyển nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động của các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT để thực hiện mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2020. Với mức giá mới, người dân có mức thu nhập trung bình nếu không có thẻ BHYT thì gánh nặng tài chính sẽ đè nặng lên vai, nhất là trong trường hợp rủi ro, bị tai nạn hoặc mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng nhất là đẩy nhanh độ bao phủ của BHYT để bệnh nhân không phải nặng gánh chi trả thêm từ tiền cá nhân.

Được biết, để tăng diện bao phủ BHYT trên địa bàn, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án hỗ trợ 30% kinh phí mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo giai đoạn 2016-2020. Đề án này sẽ được trình HĐND tỉnh xem xét trong kỳ họp tới (dự kiến diễn ra vào đầu tháng 12-2015). Đây là tín hiệu vui đối với người cận nghèo trong tỉnh khi thời điểm giá dịch vụ mới được áp dụng đã cận kề, bởi họ có thể được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng mà không còn phải lo lắng về viện phí tăng cao.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.