Multimedia Đọc Báo in

Sốt xuất huyết dễ bùng phát thành dịch tại Việt Nam

16:36, 26/11/2015

Một nguyên nhân khiến bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát thành dịch lớn là do hiện tượng El Nino kéo dài.

Theo Trung tâm Dự báo khí hậu Hoa Kỳ (NOAA), năm 2015 có thể là năm El Nino mạnh nhất và gây ra sức tàn phá lớn nhất lịch sử từ trước tới nay. Do nằm trong vùng chịu tác động bởi El Nino, nên Việt Nam, Lào, Campuchia, Philippines, Malaysia... sẽ kéo dài khí hậu nóng ấm. Điều này sẽ kéo theo nguy cơ bùng phát và kéo dài dịch SXH so với các năm trước tại các nước này.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, bệnh SXH đang thực sự ở mức đáng báo động. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 51.858 trường hợp mắc SXH tại 54 tỉnh, thành phố, trong đó có 32 trường hợp tử vong. Trong số ca mắc SXH, có 78,9% là trẻ dưới 15 tuổi, 83,3% là nữ. SXH mạnh nhất tại khu vực miền Nam với 36.521 trường hợp mắc (chiếm 70,4%), 29 trường hợp tử vong (chiếm 90,6%).

Nhân viên y tế tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết.
Nhân viên y tế tuyên truyền cho người dân phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết.

Bộ Y tế cũng nhận định, tình hình SXH từ nay đến cuối năm còn nhiều nguy cơ gia tăng do năm nay lượng mưa lớn, xảy ra trên diện rộng; tốc độ đô thị hóa tiếp tục tăng tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Hơn nữa, vì SXH có tính chất chu kỳ (4-5 năm bùng phát một lần) nên năm 2015 bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân nên chủ động và quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thường xuyên thay nước hoặc bỏ muối, dầu, hóa chất diệt ấu trùng vào bình hoa, bát nước kê chân chạn; hằng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên (chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...) không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Đồng thời, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời.

K.O (nguồn chinhphu.vn)
 


Ý kiến bạn đọc