Multimedia Đọc Báo in

WHO lên tiếng về vắc xin Quinvaxem

11:00, 11/11/2015

Quinvaxem là vắc xin cần thiết để phòng chống các bệnh trong tiêm chủng mở rộng ở trẻ em. Vắc xin này đã được tiền thẩm định về chất lượng năm 2006, đến nay đang sử dụng tại 94 nước trên thế giới.

Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã sử dụng khoảng 25 triệu liều. Trong quá trình sử dụng đã ghi nhận một số trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Tất cả trường hợp tai biến nặng đều đã được điều tra, báo cáo kịp thời.

Theo ông Kehei Toda, chuyên gia tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, tỉ lệ tai biến nặng liên quan đến vắc xin bạch hầu-ho gà (toàn tế bào) - uốn ván tại Việt Nam là 4,5/1 triệu liều vắc xin sử dụng (trong khi theo thống kê của WHO là 1-20/1 triệu liều). Tỉ lệ trẻ tử vong sau tiêm vắc xinQuinvaxem không tăng so với các năm trước. Các trường hợp tử vong chủ yếu do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý khác. Thời gian gần đây, Việt Nam đã ghi nhận các ca mắc bệnh ho gà. Một số nước láng giềng cũng ghi nhận ổ dịch bạch hầu. Và Quinvaxem là vắc xin cần thiết để phòng, chống các bệnh nói trên trong tiêm chủng mở rộng ở trẻ em.

Cán bộ Trạm Y tế phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) tư vấn cho bà mẹ trước khi cho trẻ tiêm vắc xin Quinvaxem.
Cán bộ Trạm Y tế phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) tư vấn cho bà mẹ trước khi cho trẻ tiêm vắc xin Quinvaxem.

Đến nay, WHO vẫn khuyến cáo sử dụng vắc xin có thành phần ho gà toàn tế bào để tạo miễn dịch phòng bệnh tốt hơn.

Về phía Việt Nam, Bộ Y tế cho biết sẽ tính phương án thay thế Quinvaxem bằng vắc xin thế hệ mới. Tuy nhiên, việc này cần có lộ trình, thời gian, kinh phí và dựa trên ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, vắc xin nào cũng có tỉ lệ phản ứng nhất định. Không ai dám chắc việc thay vắc xin thế hệ cũ bằng thế hệ mới sẽ không còn trường hợp phản ứng nặng sau khi tiêm chủng. Dự kiến, đến năm 2020 Việt Nam sẽ sản xuất được vắc xin phối hợp 6 trong 1, phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và Hib.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, trong số 3,5 triệu liều vắc xin Quinvaxem đã tiêm cho trẻ em ở nước ta, ghi nhận 16 trường hợp phản ứng nặng, 8 trường hợp tử vong. Trong 8 trường hợp tử vong này, các hội đồng chuyên môn kết luận có một trường hợp tử vong do sốc phản vệ, 7 trường hợp tử vong do trùng lặp ngẫu nhiên với bệnh bẩm sinh ở trẻ.

K.O (nguồn chinhphu.vn)
 


Ý kiến bạn đọc