Multimedia Đọc Báo in

Y tế dự phòng: Thêm những thách thức

10:56, 29/11/2015

Thời gian qua, Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh đã chủ động, bám sát cơ sở, kịp thời triển khai hoạt động đạt nhiều kết quả, góp phần chăm lo sức khỏe cho cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả đạt được thì việc thực hiện nhiệm vụ này đang gặp nhiều khó khăn…

Trong bối cảnh giao lưu và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, công tác YTDP liên tục phải đối mặt với những thách thức, tình hình các bệnh truyền nhiễm đã và đang có những diễn biến phức tạp. Đặc biệt là sự xuất hiện của một số bệnh truyền nhiễm mới như SARS, MERS-CoV, Ebola, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 là những bệnh chưa có vắc xin phòng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tỷ lệ tử vong cao. Hơn thế, Đắk Lắk lại là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, còn nhiều hủ tục nên ít nhiều ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do đó, thực hiện tốt hoạt động dự phòng là nền tảng then chốt để nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đến nay, công tác YTDP của tỉnh đã vượt lên khó khăn và thu được những thành quả đáng ghi nhận: xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn; các bệnh nguy hiểm tồn tại nhiều năm được khống chế; các ổ dịch cũ thường xuyên được giám sát, theo dõi, kiểm tra và xử lý kịp thời không để phát tán mầm bệnh; thực hiện tốt Chương trình tiêm chủng mở rộng, duy  trì tỷ lệ tiêm chủng hằng năm đạt từ 95-98%; vệ sinh môi trường ở khu vực dân cư được cải thiện đáng kể với trên 92% dân cư được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, gần 60% hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; hằng năm đều có đề tài nghiên cứu khoa học tham gia cùng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Sở Y tế nhằm tìm ra những biện pháp thiết thực, hiệu quả hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh… Đặc biệt, với việc chú trọng đầu tư xây dựng đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất, Đắk Lắk là một trong số ít các tỉnh, thành phố của cả nước thực hiện thành công Chuẩn quốc gia về Y tế dự phòng tỉnh. 

Bác sĩ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khám sàng lọc và tư vấn trước khi cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh.
Bác sĩ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khám sàng lọc và tư vấn trước khi cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh.

Song song với kết quả đạt được, hoạt động dự phòng của ngành Y tế tỉnh hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nguồn cán bộ chất lượng cao còn thiếu, đặc biệt là tuyến dưới còn thiếu bác sĩ chính quy và có năng lực; kinh phí phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia ngày càng hạn hẹp, không đáp ứng nhu cầu thực tế; nhiều đơn vị thực hiện công tác giám sát tại cơ sở chưa tốt, chưa kịp thời phát hiện dịch bệnh; kinh phí thực hiện một số chương trình bị cắt giảm khiến cho việc triển khai các hoạt động gặp khó khăn; chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị thuộc hệ dự phòng còn chồng chéo; công tác dự báo dịch bệnh còn yếu; trang thiết bị y tế tuyến huyện thực hiện chức năng YTDP chưa được đầu tư, hầu hết là thiết bị cũ, lạc hậu. Ngoài ra, chế độ, chính sách cho cán bộ làm việc trong hệ YTDP chưa đủ sức thu hút, chưa thực sự tạo môi trường thuận lợi cho YTDP phát triển… Có thể nói, việc xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đạt Chuẩn quốc gia là một nỗ lực lớn của ngành Y tế, nhưng với tuyến cơ sở thì các vấn đề về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực đều rất khó khăn. Đơn cử như tại Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ, dù đã phải di chuyển tới vài lần nhưng đến nay trụ sở làm việc của đơn vị vẫn “nương nhờ” tại khu nhà ăn của Bệnh viện Đa khoa thị xã. Hay như Trung tâm Y tế huyện Krông Búk hiện cũng đang “ăn nhờ, ở tạm” tại Trạm Y tế xã Pơng Drang. Rồi Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc thì tận dụng cơ sở của đội y tế dự phòng từ thời chưa tách ra khỏi Trung tâm Y tế cũ làm trụ sở làm việc nên thiếu thốn trăm bề. Cơ sở vật chất đã vậy, nguồn nhân lực cho YTDP cũng chẳng khá hơn. Không thể phủ nhận năng lực và trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác YTDP ngày càng được nâng lên trong những năm qua. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực đảm nhiệm nhiệm vụ chuyên môn này vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Số lượng cán bộ còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Ngay như tại Trung tâm YTDP tỉnh, dù đã đạt Chuẩn quốc gia nhưng đến thời điểm này vẫn còn thiếu 3 bác sĩ YTDP. Còn ở tuyến huyện, tuyến xã nơi nào cũng thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên ngành YTDP. Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì: “Hiện tại, phần lớn các bác sĩ công tác trong hệ YTDP đều từ hệ điều trị chuyển sang, thiếu hẳn những người được đào tạo chính quy về YTDP. Và khi thiếu nhân lực chuyên sâu thì việc triển khai hoạt động mới chỉ đáp ứng được những việc thuộc nhiệm vụ cấp bách, còn về chiến lược lâu dài, có tầm nhìn vẫn chưa đáp ứng được”.

Có thể thấy, mặc dù những năm qua Nhà nước đã tích cực đầu tư cho ngành y tế, nhưng đối với YTDP vẫn còn nhiều bất cập. Trong những năm tới, để Trung tâm YTDP tỉnh tiếp tục chủ động trong công tác phòng chống dịch, đẩy mạnh các hoạt động giám sát vệ sinh môi trường, vệ sinh nông thôn, vệ sinh trường học, công tác xét nghiệm, thiết nghĩ, tỉnh cần quan tâm đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác YTDP, nhất là cán bộ tuyến cơ sở. 

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.