6 dấu hiệu bệnh tim ở nhóm người trung cao tuổi
Hiệp hội Tim mạch Mỹ (ASHA) cho biết, 6 dấu hiệu dưới đây được xem là “hàn thử biểu” báo trước nguy cơ mắc bệnh tim ở nhóm trung cao niên. Biết về những dấu hiệu này, người bệnh có thể thay đổi lối sống và điều trị dự phòng để giảm bệnh và kéo dài tuổi thọ.
1. Phù chân cẳng
Bàn chân và cổ chân bị phù có thể là dấu hiệu sớm của bệnh suy tim, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh phổi hay suy tĩnh mạch. Đây là tình trạng tĩnh mạch bị tổn thương không thể truyền máu từ tim đi cho các phần chi dưới. Một khi máu không được cung cấp đầy đủ gây ra hiện tượng chất lỏng tích tụ và sinh phù.
- Giải pháp: khi bị phù bàn chân và cổ chân, nên đi khám tư vấn bác sĩ. Phù chân có thể là do ăn quá mặn, có quá nhiều muối trong chế độ ăn uống hằng ngày, nhưng để chắc chắn nên đi khám, làm các xét nghiệm sẽ biết được nguyên nhân và có biện pháp can thiệp hiệu quả.
2. Hói đầu ở đàn ông
Một nghiên cứu dài kỳ của Đại học Y khoa Harvard và Bệnh viện phụ nữ ở Boston (Mỹ) đã phát hiện thấy mối tương quan giữa hói đầu và sức khỏe tim mạch ở đàn ông, thủ phạm tạo ra những sự cố như đau thắt ngực, tắc nghẽn động mạch vành. Các dạng bệnh này tăng tới 9% ở nhóm hói phía trước trán, tăng lên 23% nếu hói tới đỉnh; tăng tiếp lên 36% nếu hói “toàn tập”. Rủi ro càng tăng ở nhóm mắc bệnh huyết áp cao hoặc mỡ máu (cholesterol) cao. Thông thường những người đàn ông hói đầu và có cholesterol cao thường có rủi ro mắc bệnh tim cao gấp 3 lần so với những người có cholesterol cao mà không bị hói đầu.
- Giải pháp: Nếu ai có tiền sử gia đình mắc bệnh tim và mắc chứng hói đầu thì nên thăm khám bác sĩ định kỳ và điều trị bệnh mỡ máu và huyết áp, nên bỏ thuốc lá, ăn uống cân bằng, duy trì cuộc sống vận động, năng luyện tập để duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, giảm bệnh.
3. Độ lỏng lẻo của tay khi nắm đồ vật
Theo nghiên cứu mang tên PURE (Nghiên cứu Triển vọng Dịch tễ học nông thôn) của Mỹ cho thấy áp lực nắm đồ vật, ví dụ như cầm nắm, vặn mở hộp, chai lọ…là một yếu tố dự báo sức khỏe con người, nếu lỏng dần có nghĩa nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn cả nhóm mắc bệnh cao huyết áp. Theo nghiên cứu, người trung cao tuổi nếu giảm khoảng 5 kg khi nắm đồ vật thì nguy cơ tử vong vì bệnh tim tăng tới 17%, tăng nguy cơ tử vong vì cơ đau tim tới 7% và 9% gia tăng nguy cơ đột quỵ.
- Giải pháp: Để cải thiện sức khỏe tim mạch Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo nên tăng cường luyện tập, nhất là luyện tập bài tập có cường độ cao ít nhất hai lần mỗi tuần như cử tạ, hít thở…
4. Ngưng thở khi ngủ
Theo một nghiên cứu do Trung tâm Y học về giấc ngủ Yale (Mỹ), rối loạn giấc ngủ là dấu hiệu cảnh báo sớm nguy cơ bị đột quỵ, nó hoàn toàn độc lập với các nguy cơ khác, kể cả tăng huyết áp. Theo AHA, tại Mỹ trung bình cứ 5 người lớn thì có 1 mắc chứng bệnh này, đàn ông mắc bệnh nhiều hơn phụ nữ, nhất là ở nhóm thừa cân, béo phì và là yếu tố nguy cơ gia tăng bệnh tim. Khi bị ngưng thở gián đoạn, tức cơ thể không nhận được đủ oxy, não phát ra tín hiệu cảnh báo, làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim, gây viêm nhiễm và lâu ngày gây tổn hại mạch máu phát sinh bệnh nan y nguy hiểm.
- Giải pháp: Nếu ngáy nhiều, ngừng thở định kỳ khi ngủ và đột nhiên thức dậy thở hổn hển thì nên đi khám, tư vấn điều trị. Phương pháp điều trị rất đa dạng, bao gồm cả điều chỉnh lối sống (giảm cân, bỏ hút thuốc), sử dụng thiết bị trợ thở, thiết bị đặt ở miệng để giữ cho cổ họng luôn mở dễ thở, nếu nặng có thể phải phẫu thuật.
5. Nhóm người chiều cao khiêm tốn
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí y học New England Journal of Medicine của Anh số ra gần đây, cứ tăng thêm 6,35 cm chiều cao, thì nguy cơ mắc bệnh động mạch vành giảm tới 13,5%. Các nguyên nhân rất phức tạp, nhưng theo nghiên cứu, khoa học phát hiện thấy nó liên quan đến di truyền chứ không phải là do nghèo hoặc do ăn uống thiếu chất. Rất có thể là do các gen chiều cao câu kết với các gen liên quan đến cholesterol của cơ thể nên ảnh hưởng đến chiều cao của chủ thể.
- Giải pháp: Thấp lùn không có nghĩa là xấu, bất hạnh hay phải chịu số phận hẩm hiu bởi thực tế con người không làm gì được nhiều để tăng chiều cao. Tuy nhiên, người trong cuộc có thể áp dụng lối sống lành mạnh, khoa học để tăng cường sức khỏe, đặc biệt là hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch khi tuổi cao.
6. Rối loạn chức năng tình dục
Theo nghiên cứu tại của Đại học Johns Hopkins ở Maryland (Mỹ) thì nam giới mắc chứng rối loạn chức năng cương dương thường liên quan đến bệnh động mạch vành (CAD). Phụ nữ cũng có thể mắc bệnh CAD và bị bệnh suy giảm tình dục, dễ thấy như giảm ham muốn, giảm hưng phấn, khô âm đạo và đau đớn.
- Giải pháp: Nên đi khám để biết sức khỏe tổng thể để xác định xem có mắc bệnh CAD hay không. Nếu mắc bệnh chức năng tình dục thì nên tư vấn điều trị bằng liệu pháp tình dục và làm theo lời khuyên của các chuyên gia phụ khoa, nam học, thay đổi lối sống, kể cả ăn uống lẫn luyện tập, giảm stress để cải thiện thức khỏe, và tăng cường sức khỏe và hạnh phúc hôn nhân.
Khắc Nam
(Theo Grandparents – 8-2015)
Ý kiến bạn đọc