Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo nguy cơ tử vong do ngộ độc thịt cóc

16:15, 19/12/2015
Đầu tháng vừa qua, tại buôn Phung, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) đã xảy ra vụ ngộ độc thịt cóc nghiêm trọng khiến 3 chị em thương vong. Trước đó, vào đầu tháng 8-2015, một trường hợp đáng tiếc tương tự cũng đã xảy ra tại xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) khiến một bé gái 2 tuổi tử vong. Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo về việc chế biến thịt cóc làm thức ăn.

Thịt cóc là loại thực phẩm chứa hàm lượng protein cao, rất giàu dinh dưỡng nên thường được dùng làm thực phẩm cho trẻ nhỏ biếng ăn, chậm lớn. Tuy nhiên, trong cơ thể loài cóc có chứa hợp chất Bufotoxin gây độc rất mạnh. Chất độc này có nhiều nhất ở lớp da và nội tạng, đặc biệt là trứng và gan. Độc tố trong thịt cóc không thể bị phân hủy ở nhiệt độ cao như chiên, xào… Do đó, nếu không chế biến đúng cách, người ăn rất dễ bị ngộ độc, dẫn đến nguy cơ tử vong nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Bệnh nhân ngộ độc thịt cóc được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.  Ảnh: Đình Thi
Bệnh nhân ngộ độc thịt cóc được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Đình Thi

Khi bị ngộ độc, triệu chứng thường xuất hiện từ 1 - 2 giờ sau khi ăn với các biểu hiện: đau bụng, nôn, tiêu chảy, mạch và nhịp tim chậm, có thể dẫn đến sốc mạch, huyết áp tụt. Một số trường hợp còn có biểu hiện tổn thương suy gan, suy thận, dễ dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời. Nặng hơn có thể gây ảo giác, ảo tưởng, tứ chi tê dại, đổ mồ hôi, suy hô hấp và tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Khi bị ngộ độc, cố gắng kích thích nôn hết lượng thức ăn trong dạ dày, uống nước cam thảo, nước đỗ xanh luộc và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Để phòng chống ngộ độc do thịt cóc, người dân không nên ăn thịt cóc hay sử dụng để làm thuốc vì khi chế biến dễ dẫn đến sơ suất và bị ngộ độc, thậm chí dẫn đến tử vong. Các bậc cha mẹ nên chú ý hướng dẫn con nhỏ không được tùy tiện bắt, chế biến hay ăn thịt cóc khi không có sự giám sát của người lớn. Các cơ quan chức năng và ngành y tế cần tổ chức các buổi truyền thông, giáo dục kiến thức cộng đồng ở các xã, huyện vùng sâu vùng xa, hướng dẫn người dân cách nhận biết và đề phòng ngộ độc khi sử dụng thịt cóc như: Không nên ăn thịt cóc, nếu có sử dụng thì  khi chế biến cần loại bỏ hết tất cả các phủ tạng như gan, mật, trứng… Lột bỏ hết da và rửa sạch thịt nhiều lần dưới vòi nước. Đặc biệt, cần tránh nhầm lẫn trứng cóc với trứng ếch vì trứng cóc lầy nhầy, màu xám, đun chín không có mùi vị gì đặc biệt dễ khiến nhiều người lầm tưởng.

 Phương Thảo – Thu Huế


Ý kiến bạn đọc