Nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc, tư vấn và điều trị HIV/AIDS
Tính đến ngày 15-11-2015, toàn tỉnh có 1.679 trường hợp nhiễm HIV còn sống, 534 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS; trong đó có 449 bệnh nhân (gồm 15 trẻ em) được điều trị thuốc kháng virút (chiếm hơn 84% số bệnh nhân AIDS được điều trị). Trong số 449 bệnh nhân đang được điều trị có 246 bệnh nhân ở các huyện (đây là nhóm bệnh nhân gặp trở ngại trong việc tiếp cận điều trị thuốc kháng virút do khoảng cách về địa lý), ngoài ra còn có 52 bệnh nhân các tỉnh khác đang điều trị. Vấn đề điều trị nhiễm trùng cơ hội của bệnh nhân cũng đã được chú trọng với 766 lượt bệnh nhân được điều trị nhiễm trùng cơ hội bằng các loại kháng sinh đặc trị.
Công tác chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS hiện còn gặp rất nhiều khó khăn. Tại 2 phòng khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh và TP. Buôn Ma Thuột, cán bộ làm công tác khám và điều trị là cán bộ kiêm nhiệm, luân phiên thay đổi nên việc giám sát theo dõi tuân thủ điều trị của bệnh nhân không liên tục đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị chăm sóc cho bênh nhân. Theo thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, tỷ lệ bệnh nhân được điều trị trên tổng số bệnh nhân nhiễm HIV hiện còn thấp, chỉ chiếm khoảng 26,7% (449/1679); mục tiêu đạt 90% bệnh nhân được tiếp cận điều trị ARV trong thời gian tới cũng sẽ khó thể đạt được bởi nhiều nguyên nhân: công tác giám sát, tiếp cận bệnh nhân gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân khai tên, tuổi, địa chỉ khi đến tiếp xúc ban đầu với cơ sở điều trị không đúng với thực tế, khi giám sát thường không tìm thấy bệnh nhân như trong danh sách đăng ký ban đầu dẫn đến hiện tượng “mất dấu” bệnh nhân, nhân viên y tế không thể tiếp xúc, tư vấn cho bệnh nhân những kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS để họ sớm tiếp cận điều trị ARV; không thể cung cấp dịch vụ có liên quan đến người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS như thuốc phòng, chống nhiễm trùng cơ hội, xét nghiệm định kỳ 6 tháng/lần, các biện pháp can thiệp dự phòng như sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm... Bên cạnh đó, bệnh nhân chưa thấy được hiệu quả của điều trị ARV là nâng cao sức đề kháng, cải thiện sức khỏe, còn ngại tiếp xúc với cán bộ y tế, sợ người thân và gia đình biết nên việc tiếp cận thuốc điều trị của bệnh nhân rất khó khăn. Mặt khác, nhiều đối tượng nhiễm HIV là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, lại sinh sống ở những vùng sâu, vùng xa đi lại rất khó khăn; điều này đã làm hạn chế việc tiếp cận cũng như tuân thủ điều trị.
Hiện nay, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại Đắk Lắk chủ yếu sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu ARV từ nguồn thuốc tài trợ miễn phí của tổ chức quốc tế. Đến năm 2017, việc tài trợ này sẽ kết thúc, đây cũng là một trở ngại lớn cho công tác điều trị người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS bởi nguy cơ không có thuốc điều trị sẽ dẫn đến tình trạng bỏ điều trị và kháng thuốc, nhất là đối tượng nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS không có điều kiện kinh tế. Trong khi đó, theo điều tra sơ bộ số bệnh nhân đang điều trị tại 3 phòng khám, mới chỉ có 30% bệnh nhân tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT).
Trước những khó khăn nói trên, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã chú trọng đến hoạt động truyền thông giáo dục bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại các phòng khám điều trị ngoại trú (OPC) khi họ đến nhận thuốc hằng tháng, làm xét nghiệm tế bào bạch cầu lympho T CD4; chỉ đạo các trung tâm y tế huyện khi giám sát, thăm hộ gia đình phải thường xuyên theo dõi, nhắc nhở, giúp đỡ, động viên bệnh nhân tuân thủ điều trị. Đối với các trường hợp đến xét nghiệm tự nguyện, nếu khẳng định dương tính theo quy định của chương trình sẽ được đưa vào điều trị thuốc ARV sớm, đồng thời tư vấn giúp đỡ bệnh nhân và người nhà tuân thủ điều trị, hạn chế lây lan trong cộng đồng; phối hợp hoạt động với chương trình Lao, các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) và các chương trình y tế tại cộng đồng, với các cán bộ y tế tại trạm y tế xã phường, trung tâm y tế huyện, các câu lạc bộ đồng đẳng và người nhiễm HIV để tăng sự tiếp cận điều trị cho bệnh nhân AIDS.
Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã tham mưu cho Sở Y tế trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án bảo đảm tài chính cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2015 – 2020 với nhu cầu ước tính trên 150 tỷ đồng; tổ chức nhiều cuộc hội thảo bàn về vấn đề tài chính, kêu gọi các nhà tài trợ, các doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội tham gia đóng góp kinh phí cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, tuyên truyền đến bệnh nhân về nội dung Thông tư 15/2015/TT-BYT về việc thực hiện khám bệnh chữa bệnh bằng BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS; đồng thời, phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và chính quyền địa phương tìm hiểu cụ thể những trường hợp có điều kiện kinh tế quá khó khăn để tìm nguồn kinh phí mua thẻ BHYT cho họ; kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiếu bị, nhân lực để sẵn sàng tham gia điều trị qua dịch vụ BHYT đối với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS.
Nguyễn Công Thành
Ý kiến bạn đọc