Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện Đa khoa tỉnh:

Lần đầu tiên triển khai kỹ thuật bơm surfactant điều trị bệnh màng trong ở trẻ sinh non

08:55, 08/01/2016

Mới đây, các y bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai kỹ thuật bơm surfactant điều trị bệnh màng trong thành công cho 2 trường hợp trẻ sinh non thiếu tháng.

Bé trai con mẹ H'Mê (ở buôn KDang A, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) 32 tuần tuổi, nặng 1.900g và bé gái con mẹ Hạnh (ở xã Ea Na, huyện Krông Ana) 30 tuần tuổi, nặng 1.700g được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh trong tình trạng suy hô hấp độ 3. Ngay lập tức các bé được hỗ trợ hô hấp bằng thở xi-páp áp lực dương liên tục, dịch truyền nuôi dưỡng và dùng kháng sinh phối hợp. Sau đó các bé được chẩn đoán bệnh màng trong độ 3. Các bác sĩ đã tiến hành bơm surfactant qua nội khí quản để điều trị cho các bé.

Đây là lần đầu tiên khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh thực hiện kỹ thuật này trên trẻ sinh non thiếu tháng để điều trị bệnh màng trong. Hiện tại, tình trạng suy hô hấp của các bé dần được cải thiện, tuy nhiên cần phải tiếp tục theo dõi và điều trị trong một thời gian nữa.

Bé trai con mẹ H'Mê điều trị tại khoa Hồi sức cấp nhi và nhi sơ sinh.
Bé trai con mẹ H'Mê điều trị tại khoa Hồi sức cấp nhi và nhi sơ sinh.

Theo bác sĩ Trưởng khoa Hoàng Ngọc Anh Tuấn, liệu pháp bơm surfactant qua nội khí quản được chỉ định thực hiện trong vòng 24 giờ, tốt nhất là trong khoảng thời gian từ 6-8 giờ sau sinh. Bệnh màng trong được gọi là hội chứng suy hô hấp cấp, gây suy hô hấp nặng, tiến triển ở trẻ sinh non thiếu tháng, nếu không được điều trị kịp thời, trẻ sẽ bị suy hô hấp nặng hơn và nguy cơ tử vong cao. Trước đây, những trường hợp trẻ sơ sinh bị bệnh màng trong phải chuyển lên tuyến trên điều trị, quá trình di chuyển không đáp ứng được về mặt thời gian nên đa số đều thất bại. Hiện tại, việc triển khai được kỹ thuật bơm surfactant ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa cứu sống bệnh nhi, vừa đỡ tốn chi phí cho gia đình có trẻ mắc bệnh.

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.