Multimedia Đọc Báo in

Bảo hiểm Y tế - giải pháp tài chính bền vững trong điều trị HIV/AIDS

09:22, 15/03/2016
Hiện nay, nguồn thuốc ARV đang sử dụng cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS phần lớn đều được tài trợ từ các dự án quốc tế.
 
Tuy nhiên, từ năm 2017 trở đi, nguồn tài trợ quốc tế sẽ bị cắt giảm, nếu không có các giải pháp căn cơ, kịp thời thì người nhiễm HIV sẽ không có thuốc để điều trị. Ngoài những giải pháp như huy động từ nguồn xã hội hóa, sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân, đoàn thể, các quỹ từ thiện, sự đầu tư kinh phí của các địa phương thông qua Đề án bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS thì việc vận động người bệnh tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT) là giải pháp bền vững nhất để bảo đảm nguồn tài chính cho việc điều trị HIV/AIDS.

Người nhiễm HIV/AIDS khi tham gia BHYT có mức đồng chi trả khác nhau tùy thuộc nhóm đối tượng. Với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình neo đơn sẽ có cơ chế hỗ trợ khác nhau tùy theo từng hoàn cảnh. Vì vậy, với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, BHYT càng trở nên quan trọng trong việc bảo đảm cho họ được tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh khi các nguồn tài trợ kinh phí cho hoạt động này bị cắt giảm mạnh.

Tuy BHYT chính là "phao cứu sinh" cho bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS song để bảo đảm 100% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT là điều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân: đa phần bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn không kinh phí để mua thẻ BHYT; một số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS là người ngoại tỉnh không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không có giấy tờ cần thiết theo quy định nên không thể đăng ký tham gia BHYT tự nguyện.  Bên cạnh đó, một trong nguyên nhân chủ yếu là bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chưa nhận thức được tầm quan trọng của thẻ BHYT, bởi vì từ trước đến nay thuốc ARV và các thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội, các xét nghiệm liên quan đến chẩn đoán và điều trị bệnh do dự án quốc tế chi trả; mặt khác, tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn nặng nề nên người nhiễm HIV/AIDS sợ, không muốn bộc lộ danh tính để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Qua khảo sát khi tư vấn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho thấy, hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với dịch vụ hết sức khó khăn; yêu cầu phải có hộ khẩu, khai báo tạm trú tạm vắng khi mua BHYT; khám các bệnh lây truyền qua đường tình dục không được bảo hiểm chi trả...

Dự kiến từ 1-6-2016 BHYT sẽ bắt đầu chi trả chi phí thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT. Một khi nguồn tài trợ từ quốc tế bị cắt, người nhiễm HIV/AIDS không có thẻ BHYT sẽ không thể tiếp tục tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV hoặc không được tiếp tục điều trị. Khi bệnh nhân không được duy trì điều trị ARV sẽ dẫn đến chuyển sang giai đoạn AIDS nguy cơ tử vong rất cao hoặc bị kháng thuốc và phải chuyển sang các phác đồ điều trị đắt tiền hơn gấp nhiều lần.

Việc vận động người nhiễm HIV/AIDS phải bỏ chi phí ra mua BHYT sẽ khiến họ có trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị, tránh được tình trạng bỏ điều trị, giảm sự lây lan HIV trong cộng đồng. Tham gia BHYT giúp người nhiễm HIV/AIDS giảm bớt khó khăn do các chi phí khám, chữa bệnh liên quan đến HIV/AIDS và các bệnh khác, vì vậy, người nhiễm HIV/AIDS cần vượt qua rào cản tự ti, kỳ thị, chủ động tham gia BHYT để tự bảo vệ tính mạng và sức khỏe của chính mình.

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.