Chú trọng tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho đồng bào dân tộc thiểu số
Trường hợp chị V.T.T (SN 1983, người dân tộc Thái, hiện trú tại một xã vùng 3, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) là một ví dụ. Tìm đến Phòng tư vấn thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Đắk Lắk do sự hướng dẫn của Trạm y tế xã, chị hoàn toàn không nghi ngờ mình bị bệnh gì, chỉ biết rằng mình bị tiêu chảy liên tục suốt hơn 10 ngày, uống thuốc không đỡ, người gầy rộc, mẩn ngứa đầy người, nhất là vùng bụng, bộ phận sinh dục có nhiều nốt sần sùi và ngứa rát. Cán bộ tư vấn đặt câu hỏi nào, chị trả lời chỉ một ý của câu hỏi đó nên thông tin từ chị cung cấp rất ít. Khi được hỏi chồng làm nghề gì, chị T. chỉ tay ra ngoài, hóa ra anh C. chồng chị đang chơi với con trai phía ngoài. Cán bộ tư vấn hỏi: “Tại sao vợ bị tiêu chảy không đưa đi viện lại đưa đến đây?”, anh trả lời: “Cán bộ y tế xã bảo lên đây để lấy thuốc và làm xét nghiệm máu”, “Thế anh làm nghề gì?” “Làm rẫy ở Krông Nô”, “Trước khi vào Krông Nô làm rẫy thì làm nghề gì?” “Khuân vác ở Lạng Sơn”, “Hết giờ khuân vác thì làm gì?” “Theo đám cửu vạn đi giải sầu bằng tiêm chích ma túy và tìm đến gái!”. Lúc này đã rõ chị T. có chồng tiêm chích ma túy và có quan hệ với gái mại dâm, cán bộ tư vấn mới có được thông tin đầy đủ các đường lây truyền và nguyên nhân chị T. có những biểu hiện bệnh như trên, sau đó tiến hành lấy mẫu máu làm xét nghiệm cho anh, chị và cháu bé. Kết quả, chị T. và anh C. đều có mẫu huyết thanh dương tính với HIV, may mắn con trai anh chị xét nghiệm âm tính với HIV.
Lấy máu xét nghiệm HIV/AIDS tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS. |
Thế mới thấy, để tìm hiểu nguyên nhân lây nhiễm HIV của đối tượng là người dân tộc thiểu số, cán bộ tư vấn phải khai thác kỹ, gợi ý và dẫn dắt câu chuyện về quá khứ mới rõ được nguyên nhân. Trong khi đó, nếu đối tượng là người Kinh, cán bộ tư vấn thường chỉ hỏi vài câu, bệnh nhân sẽ kể hết mọi lý do, thậm chí yêu cầu lấy mẫu máu xét nghiệm xem có bị nhiễm HIV hay không rồi xin tiếp cận điều trị.
Thiết nghĩ, để hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong điều kiện kinh phí hạn hẹp hiện nay đến với mọi đối tượng, nhất là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, có trình độ thấp, cần phối hợp lồng ghép với các hoạt động xã hội khác, đồng thời phát huy hiệu quả vai trò của các cộng tác viên y tế thôn, buôn là người dân tộc thiểu số. Các loại tranh, ảnh, sách, báo, tờ rơi nên in thêm ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số các vùng phía Bắc để chuyển tải các nội dung về HIV/AIDS đến các đối tượng này. Các chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số nên dành thời lượng cho việc tuyên truyền các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đến với các vùng đông đồng bào Tày, Thái, Dao, Nùng… Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác y tế tuyến xã cần phải tranh thủ tuyên truyền, giải thích rõ cho mọi đối tượng , nhất là đối tượng người dân tộc thiểu số để tạo niềm tin cho họ khi được giới thiệu lên tuyến trên thực hiện các dịch vụ y tế khác.
Nguyễn Công Thành
Ý kiến bạn đọc