Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh: Hiệu ích từ triển khai ứng dụng kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh

10:23, 19/04/2016

Thời gian qua, việc chủ động ứng dụng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến vào khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thiện Hạnh đã và đang tích cực góp phần vào sự phát triển của ngành Y tế tỉnh nhà, đồng thời mang lại nhiều lợi ích đối với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn...

Để phát triển và sử dụng có hiệu quả các kỹ thuật cao, ngoài việc đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị, BVĐK Thiện Hạnh đã chủ động cử nhiều kíp phẫu thuật đi học chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến Trung ương, mời các chuyên gia đầu ngành về trực tiếp chuyển giao kỹ thuật mới, khó cho các bác sĩ trên cơ sở máy móc, trang thiết bị sẵn có tại bệnh viện. Nhờ làm chủ được công nghệ kỹ thuật, đội ngũ bác sĩ của bệnh viện đã tự tin thực hiện nhiều ca phẫu thuật khó thuộc nhóm phẫu thuật cao.
Bệnh nhân Nguyễn Thành Trung hồi phục nhanh sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm.
Bệnh nhân Nguyễn Thành Trung hồi phục nhanh sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm.

Một trong những kỹ thuật cao vừa được triển khai tại bệnh viện và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh là phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm. Theo bác sĩ Nguyễn Nam Chung, khoa Ngoại thần kinh, người trực tiếp phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm tại Bệnh viện: “Trước đây bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng vào viện sẽ được chuyển lên tuyến trên, vì điều trị bệnh này đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của thiết bị y tế hiện đại để chẩn đoán chính xác vị trí và mức độ của bệnh. Mới đây, bệnh viện đã đưa vào sử dụng máy chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp chẩn đoán tốt các bệnh lý về thần kinh, sọ não, cột sống, cơ, xương, khớp, đặc biệt là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Trên cơ sở đó, bệnh viện đã chính thức nhận phẫu thuật cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm. Đến thời điểm này, Bệnh viện đã phẫu thuật cho 2 trường hợp và đều thành công”.

Bệnh nhân được phẫu thuật đầu tiên là bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, 54 tuổi, trú tại khối 12, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột. Bà Tuyết nhập viện trong tình trạng đau nhiều cột sống thắt lưng, không đi lại được, không ngồi được. Thăm khám hình ảnh lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh X quang, MRI cột sống thắt lưng cho thấy, bà Tuyết bị trượt đốt sống L4, L5, thoát vị đĩa đệm L5, S1, dẫn đến mất vững cột sống và hẹp lòng ống sống do phì đại các dây chằng kèm theo thoát vị đĩa đệm làm cho tủy sống bị chèn ép liên tục. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được phẫu thuật bằng phương pháp bắt vít làm vững cột sống, giải phóng chèn ép tủy, hàn xương liên thân đốt sống bằng đĩa đệm nhân tạo. Sau phẫu thuật, bà Tuyết đã bình phục. Bệnh nhân thứ 2 là anh Nguyễn Thành Trung, 26 tuổi, trú tại phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Anh Trung chia sẻ: “Khoảng 2 năm trước tôi bị đau tê chân trái, càng ngày càng tê, đau nhiều hơn, đi lại rất khó khăn và gần đây phải nghỉ việc ở nhà nên ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt. Sau khi đến khám tại Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh, được phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm tôi đã có thể đi lại dễ dàng. Điều quan trọng là các bác sĩ nói sau một thời gian nữa tôi có thể đi làm bình thường như trước đây”.

Hiệu quả từ việc phát triển kỹ thuật mới không chỉ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân, mà còn là động lực để đội ngũ y bác sĩ toàn Bệnh viện nỗ lực hơn trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn. Hầu hết các khoa, phòng của Bệnh viện và từng cá nhân các bác sĩ, điều dưỡng đều nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng và sự cần thiết phải học tập, đào tạo để tiếp thu kỹ thuật mới, ứng dụng trong khám và điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch phát triển kỹ thuật mới của từng năm, trong đó, duy trì bền vững những kỹ thuật mới đã triển khai thực hiện từ thời gian trước và chú trọng phát triển những kỹ thuật chuyên sâu.

 Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.